Theo hãng tin AP, dù hy vọng về một giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao, Ngoại trưởng Blinken nói ông không tin cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov sẽ mang lại kết quả vào thời điểm này.

“Giờ đây, chúng ta đã thấy cuộc tấn công đang bắt đầu và Nga đã từ chối các giải pháp ngoại giao một cách rõ ràng", ông Blinken nói với các phóng viên sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraina Dmytro Kuleba tại Washington D.C. hôm 22/2 (giờ Mỹ). 

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: CNN

Lặp lại phát biểu của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ cho biết việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập đối với các vùng ly khai ở Donbass, miền đông Ukraina, là vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ông Blinken cũng tuyên bố Mỹ vẫn cam kết theo đuổi con đường ngoại giao "nếu cách tiếp cận của Moscow thay đổi" và sẽ làm bất cứ điều gì có thể "để ngăn chặn một tình huống xấu hơn".

"Nếu cách tiếp cận của Moscaw thay đổi, chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên, họ cần chứng minh thái độ nghiêm túc. Những diễn biến trong 24 giờ qua cho thấy điều ngược lại", ông Blinken lưu ý khi đề cập tới quyết định đưa quân tới các tỉnh ly khai Donetsk và Lugansk phía đông Ukraina của Nga, và cảnh báo: "Nếu Nga tiếp tục leo thang căng thẳng, chúng tôi cũng vậy".

Mỹ và nhiều nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, sau khi Tổng thống Putin công nhận độc lập các khu vực ly khai ở miền đông Ukraina và ra lệnh cho quân đội Nga đến các khu vực này với mục đích "gìn giữ hòa bình".

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba, người tham gia họp báo tại Washington D.C. cùng người đồng cấp Mỹ, hoan nghênh các lệnh trừng phạt này. "Những bình luận lên án là rất quan trọng, nhưng hành động mới là điều thực sự đáng chú ý trong những ngày này", ông Kuleba cho biết, và nói thêm rằng chiến lược áp đặt trừng phạt theo từng đợt thay vì cùng một lúc của Mỹ "có thể phát huy hiệu quả nếu được duy trì bền vững".

Vài giờ sau thông báo hủy họp giữa ngoại trưởng hai nước, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho hay Tổng thống Biden không có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Putin.

"Ngoại giao không thể thành công trừ khi Nga thay đổi phương hướng", bà Psaki phát biểu. "Như Ngoại trưởng Blinken đã nói, không thích hợp để gặp người đồng cấp Lavrov trong thời điểm này. Bất kỳ cuộc gặp nào với Tổng thống Putin cũng tuân thủ quy tắc đó. Vì vậy, ở thời điểm này, không có cuộc họp thượng đỉnh nào nằm trong kế hoạch".

Tổng thống Biden trước đó đã đồng ý tổ chức họp với Tổng thống Putin "về nguyên tắc". Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo điều kiện để hai bên tổ chức đàm phán là Nga phải giảm leo thang các hành động quân sự ở Ukraina.

>>> Cập nhật tình hình căng thẳng tại Ukraine trên VietNamNet

Việt Anh

Mỹ điều quân tới Baltic, Nga cho lính tới vùng ly khai Ukraina 'theo tình hình'

Mỹ điều quân tới Baltic, Nga cho lính tới vùng ly khai Ukraina 'theo tình hình'

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh triển khai thêm binh sĩ tới các nước Baltic, trong bối cảnh Nga công nhận hai vùng ly khai của Ukraina.

Mỹ-EU tung đòn trừng phạt, Nga lập quan hệ với vùng ly khai Ukraina

Mỹ-EU tung đòn trừng phạt, Nga lập quan hệ với vùng ly khai Ukraina

Giới lãnh đạo Mỹ và nhiều nước châu Âu đã có một loạt tuyên bố về những đòn trừng phạt nhằm vào Nga, trong khi Moscow lập quan hệ với các vùng ly khai Ukraina.