Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022); thực hiện Kế hoạch hợp tác văn hoá giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch 2 nước, từ ngày 13/10 - 19/10/2022, Lễ hội Du lịch-Văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2022 diễn ra tại Seoul và Gwangju.
Trong chuỗi sự kiện này, Việt Nam vinh dự là khách chính tại lễ hội quốc tế Kết nối văn hoá với Không gian Văn hoá Việt Nam bên bờ sông Hàn và các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang tại Liên hoan Âm nhạc châu Á 2022.
Tối 15/10, chương trình nghệ thuật đặc biệt kết hợp với thời trang được tổ chức bên sông Hàn (Hàn Quốc). Hai NTK Lan Hương và Ngọc Hân đã có dịp khoe với nước bạn tà áo dài dân tộc Việt Nam bên cạnh phần trình diễn trang phục dân tộc của các người mẫu tới từ Kazakhstan và nước chủ nhà Hàn Quốc.
NTK Lan Hương mang tới lễ hội 2 BST: Cổng làng Hà Nội và Màu thời gian. Với BST Công làng Hà Nội, NTK đã hoạ nét cổ xưa lên ái dài, với các nét hoạ được thêu tay tinh tế, kỳ công. Với BST Màu thời gian, NTK muốn kể câu chuyện kể về những sắc màu của trời, đất, vạn vật, nơi giao thoa giữa mây, gió, nắng, sương. Tinh thần yêu thương từ những đôi bàn tay thô mộc người phụ nữ dân tộc Dao dệt lên những mô típ thổ cẩm tượng trưng cho suy nghĩ ý niệm của người dân vùng cao về đời sống về tình yêu và những tập tục truyền lại bao đời.
NTK Ngọc Hân mang tới lễ hội 3 BST với cảm hứng về tranh dân gian Hàng trống, Nhã nhạc cung đình Huế, hoạ tiết cung điện Gyeongbokgung (Hàn Quốc). Nàng hậu mong muốn có sự quảng bá và giao lưu văn hoá giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Ngoài các người mẫu trình diễn khác, diễn viên Lương Thanh cũng tham gia catwalk trong bộ sưu tập của Ngọc Hân.
"Hình ảnh của Hàn Quốc trên tà áo dài Việt Nam hy vọng sẽ gây được thiện cảm của người dân nơi đây", Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ. Ngọc Hân cho biết cô mang cả trang phục áo dài trẻ em để những người nhỏ tuổi cũng có thể trải nghiệm văn hoá Việt Nam một cách trực diệp nhất.
Phần trình diễn Hanbok - trang phục truyền thống của Hàn Quốc. Lịch sử Hanbok gắn liền với lịch sử Hàn Quốc qua nhiều triều đại, từ Rôgôreô, Bacagiê, Xila cho đến thời Chê-xăng và tận ngày nay. Trước đây, Hanbok là loại trang phục đời thường của người dân xứ sở Kim Chi.
Theo dòng lịch sử với nhiều biến động, trang phục này có nhiều đổi thay. Hanbok là đại diện cho những giá trị truyền thống lâu đời và văn hóa của người Hàn Quốc. Ngày nay, người dân Hàn Quốc đều sở hữu ít nhất một bộ Hanbok để mặc vào các dịp đặc biệt như ngày đầu năm mới, sinh nhật, lễ cưới,…
Các nghệ sĩ biểu diễn trang phục truyền thống Kazakhstan.
Bên cạnh đó, chương trình biểu diễn nghệ thuật do các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cũng gây ấn tượng với du khách. Chương trình nghệ thuật được xây dựng có sự pha trộn, đan xen giữa các tiết mục, qua đó giúp khán giả thấy được một bức tranh về văn hóa, du lịch Việt Nam trải dài từ Tây Bắc Việt Nam đến Đồng bằng Nam Bộ.
NSƯT Lệ Giang độc tấu đàn bầu Quê hương và độc tấu đàn T'rưng Tây Nguyên chào mặt trời. Màu sắc của từng vùng miền Việt Nam được qua các bản nhạc, lời ca và điệu múa do các nghệ sĩ thể hiện, thêm vào đó là những hình ảnh minh họa về thiên nhiên, kỳ quan và con người Việt Nam đã giúp các khán giả Hàn Quốc có một đêm nhạc thực sự ấn tượng. Với 11 tiết mục nghệ thuật diễn ra trong hơn 60 phút, Tổng đạo diễn - NSND Trần Bình hy vọng những người dân Hàn Quốc có được cảm giác như được "du lịch" ở Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật ngoài trời tổ chức lần này có sự tham gia của hơn 20 nghệ sĩ Việt Nam. Ngoài các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, chương trình nghệ thuật lần này còn có sự tham gia của nam rapper Hà Lê. Đây cũng là một nét mới so với các chương trình nghệ thuật của Việt Nam biểu diễn tại Hàn Quốc trước đây khi có sự tham gia của các ca sĩ tự do.
Nghệ sĩ Phúc Đại và tốp múa biểu diễn Lý ngựa ô