Ngôi chùa đặc biệt ấy là chùa DoungLeySiRiVanSa còn gọi là chùa Đường Xuồng Mới ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Kiên Giang với bề dày lịch sử hơn 100 năm.
Đại đức Danh Tỉ- Trụ trì chùa Đường Xuồng Mới cho biết, đàn vạc về chùa sinh sống đã hơn 20 năm. Trước đây khi chùa còn chưa trùng tu xong, chúng sống tại khuôn viên chùa Đường Xuồng Cũ.
Khi vị sư cả đời về đây làm chánh điện chúng bay theo ông ấy và ở lại cho đến tận ngày nay.
"Lúc trước đàn vạc kéo về đây ở nhiều lắm. Chúng sống trên các ngọn cây cao như cây sao, cây dầu. Ban ngày đi kiếm ăn, tối đến về ngủ.
Chúng hay tha mồi về tổ cho vạc con nhưng đoạn đường xa quá, có lúc nó tha cá bị rớt dưới các gốc cây bị mèo hoang ăn sạch", Đại đức Danh Tỉ cho hay.
Cũng theo trụ trì nhà chùa, khi mới xuất hiện chúng chỉ đến lác đác vài chục con, ghé thăm vài hôm rồi bay đi. Dần dà khi thấy đây là chỗ "nương náu" an toàn chúng tìm tới trú ngụ đông hơn. Lúc vị sư cả còn tiền nhiệm chúng đến "ở nhờ" cả nghìn con.
Chúng làm tổ, sinh sản lúc đông quá còn tranh giành "lãnh thổ", "cãi nhau chí chóe" inh ỏi cả khuôn viên ngôi cổ tự.
Được biết, loài vạc sinh sống ở đây là vạc trắng, kích thước khá lớn có con nặng đến 4kg, sải cánh rộng khoảng 50cm. Ngoài vạc còn có cả chim còng cọc đến cộng sinh.
Những năm trước chúng sẽ ở chùa vào các tháng mưa, đến tháng hạn bay đi xa kiếm ăn. Nhưng mấy năm nay, các cánh đồng không còn bị khô hạn chúng không phải bay đi xa như trước nữa, có thể tìm kiếm thức ăn quanh quẩn gần chùa.
"Trong số chim chóc sống tại đây có một con vạc rất thích nghe kinh. Khi đi kiếm ăn về nó thích đậu trên chánh điện, nghe các sư đọc kinh rồi đậu trên đó ngủ tới sáng thì bay đi", trụ trì chùa tiết lộ.
Sự xuất hiện của đàn chim kéo theo nhiều ánh mắt tò mò, hiếu kỳ, khoảng 6,7 năm trước có rất nhiều người đến xem đàn vạc khiến ngôi chùa càng trở nên nổi tiếng, kéo theo hậu quả có một số thành phần "bất hảo" đến phá hoại đàn chim.
"Chúng làm đủ mọi cách như giăng bẫy, dùng ná thậm chí treo lên lấy trộm tổ chim. Khi phát hiện được bọn trộm đều chạy mất còn đàn chim thì hoảng sợ.
Chính vì thế mấy năm nay số lượng đàn vạc còn ở chùa chỉ khoảng 300 con. Bây giờ nhà chùa và người dân ra sức bảo vệ để cho chúng được sinh tồn", vị sư cả buồn bã nói.
Không phải lang bạt, vượt nghìn dặm di cư đàn vạc đã tìm được chỗ nương náu an toàn suốt hai thập kỷ qua. Sự bảo vệ, yêu thương của nhà chùa và người dân địa phương càng khiến khách phương xa ấm áp với câu chuyện "tình người duyên chim".
Theo Dân Trí
Huê Nghiêm: Ngôi tổ đình 300 năm tuổi ở đất Sài Gòn - Gia Định
Huê Nghiêm là một trong những ngôi chùa xưa nhất, có thể coi như một “chứng tích” cho đời sống tinh thần của những lưu dân trong buổi đầu đi mở cõi.