Rễ cây đa trên 100 tuổi đỡ cho cổng không sập |
Cánh rừng nhỏ với hàng trăm cây cổ thụ thuộc hàng danh mộc với tuổi đời trên 200 năm vẫn còn tồn tại ở phường Tân An TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Mảng rừng nguyên sinh còn sót lại và ngôi đình cổ 200 năm
Không um tùm rậm rạp, cánh rừng hiện nay được bao bọc bởi tường rào kiên cố. Cả 2 cổng vào đều khép kín. Thật khó có nơi nào có cổng vào như thế. Cổng xây bằng gạch rêu phong cũ kỹ có dấu hiệu sụp đổ nhưng khó có thể đổ được.
Trên mỗi cổng đều có cây đa trên 100 tuổi tỏa bộ rễ bao bọc một cách vững chắc. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn, cổng vẫn đóng và không còn sử dụng.
Chúng tôi vào bên trong rừng qua một ngõ khác. Những cây sao, dầu, bằng lăng, gõ, cám đang tỏa bóng mát. Thân cây cao gần 20m, to có thể vài người ôm được trải đều trên khu đất rộng.
Trong những cây to đó, có những cây đang có dấu hiệu thoái hóa. Ở gần cổng còn trơ một gốc sao khá to.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan khu rừng, ông Nguyễn Tri Phủ, Trưởng ban nghi lễ đình Tân An cho biết, khoảng 2 năm trước, cây sao này bị mục gốc và đã đổ xuống. Rất may sự cố xảy ra vào lúc 20 giờ nên không gây thiệt hại về người.
Một cây sao cổ thụ. |
Một góc rừng. |
Chúng tôi đi trên đám lá khô, dưới bóng mát của cây rừng cứ ngỡ đang lạc vào một vùng đất hoang sơ nào đó. Nhưng không, âm vang của hồi chuông vọng lại. Bên cạnh khu rừng, đình Tân An trầm mặc. Không khí Tết còn vương vấn đâu đây.
Đình Tân An được xây dựng vào năm 1820, vừa đúng 200 năm. Khởi đầu - theo tài liệu của Ban Quản lý di tích và Danh thắng Bình Dương - lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này khai cơ lập nghiệp đã dựng nên ngôi đình bằng mấy gian nhà gỗ đơn sơ lợp ngói đỏ. Vị thành hoàng được người dân tôn thờ tại đình là Tiền quân Nguyễn Văn Thành, khai quốc công thần của triều Nguyễn.
Ngôi đình sau đó được xây cất lại với chiều rộng 50m, dài 70m. Kết cấu bằng gỗ sao, đình kiến trúc theo hình chữ tam mang đậm phong cách của ngôi đình nam bộ xưa.
Kết cấu bên trong gồm 40 cột gỗ vuông, ngoài hành lang 30 cột. Toàn bộ khung sườn đình đều làm bằng gỗ sao được lấy từ những cây sao già tại khu rừng cạnh đó. Mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá.
Dấu ấn của thời gian đã thể hiện rõ nét qua lớp rêu phong trên mái trông rất cổ kính. Trên mỗi nóc đều có hình lưỡng long tranh châu. Các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền đình lát gạch tàu hình lục giác.
Ông Phủ cho biết, trải qua bao năm tháng, hiện nay cả khu rừng và ngôi đình vẫn còn nguyên vẹn. Rừng đang được trồng thêm một số cây dầu ở những vị trí còn trống. Đình chưa có dấu hiệu xuống cấp nên cũng chưa cần phải tôn tạo. Điều quan trọng là phải biết giữ gìn để ngôi đình mãi mãi ngự trị trong lòng người dân Thủ Dầu Một ...
Nỗi oan từ một bài thơ của con trai
Gốc sao bị đổ. |
Cổng đình Tân An. |
Đình được xây theo hình chữ tam. Trên nóc đều có lưỡng long tranh châu. |
Như đã nói, vị thành hoàng của đình Tân An là khai quốc công thần, Tiền quân Nguyễn Văn Thành (1757 - 1817). Ông người gốc Thừa Thiên, theo cha vào Nam giúp Nguyễn Phúc Ánh, lập được nhiều công trạng. Ông là người có công rất lớn trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn.
Ông được phong chức Khâm Sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây Đại tướng quân với tước Quận công. Năm 1802, ông được giao làm Tổng trấn Bắc thành. Tại đây - kinh thành Thăng Long cũ - ông đã có những việc làm hết sức ý nghĩa.
Tuy là một quan võ nhưng ông đã có bài văn tế chiến sĩ trận vong nhằm truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong trận mạc. Với tư cách là một võ tướng, trong bài văn tế ông đã giãi bày công trạng của những người đã nằm xuống, tỏ lòng thương tiếc những người còn lại bằng giọng văn hùng hồn đầy thương cảm.
Ông đã cho tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Đây là một kiến trúc có giá trị độc đáo về khía cạnh văn hóa và mỹ thuật. Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805.
Chánh điện |
Chân dung Tiền quân Nguyễn Văn Thành |
Một góc đình với cột kèo trạm trổ. |
Rời chức Tổng trấn Bắc thành, ông về kinh đô Huế giúp vua soạn bộ Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là luật Gia Long). Công trạng của ông đối với nhà Nguyễn rất lớn. Vậy mà chỉ trong tích tắc, công lao ấy bị xóa sạch và ông phải chịu cái chết vô cùng oan ức.
Con trai trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên vốn có tài văn chương thi phú. Năm 1815, trong một lần giao lưu với bạn, Thuyên đã có bài thơ với 2 câu kết :
'Sơn tể phen này dù gặp gỡ,
Giúp nhau xoay - đổi hội cơ này'.
Đình Tân An được công nhận là di tích cấp quốc gia. |
Những người ghét ông đã suy đoán thêu dệt vu cho ông tội muốn làm phản, và đã tâu với vua. Ông đã kêu oan nhưng không được Gia Long xét, buộc ông phải uống thuốc tự vẫn sau khi đã xử trảm Nguyễn Văn Thuyên.
Năm 1868, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Sau đó, nhà vua cũng đã sắc phong cho ngôi đình Tân An và phong tước cho thành hoàng Nguyễn Văn Thành.
Năm 2014, đình Tân An chính thức được công nhận là di tích lịch sừ cấp quốc gia.
6 đền, chùa có kiến trúc độc lạ bậc nhất châu Á
Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... là những quốc gia sở hữu loạt đền, chùa độc đáo bậc nhất châu Á. Các điểm đến này thu hút nhiều du khách ghé tham quan, thưởng ngoạn.
Trần Chánh Nghĩa