Mỗi khi chị Ramjaena muốn đi vệ sinh, việc đầu tiên cần làm là để ý xem có ai đi lại xung quanh không.
Giống như hầu hết cư dân của làng Paku Alam nằm trên phụ lưu sông Martapura, nhà của Ramjaena được xây theo kiểu nhà sàn, nổi ngay trên mặt nước.
Trước nhà sẽ là một lối đi nhỏ bằng gỗ dẫn đến một nhà vệ sinh rộng 1,5 mét vuông bằng gỗ cứng, cũng được dựng theo kiểu nhà sàn.
Một mảnh vải được sử dụng thay thế cho cánh cửa lắp sẵn để tạo sự riêng tư khi Ramjaena hoặc các thành viên trong gia đình phải sử dụng nhà tiêu. Chất thải của họ sẽ rơi trực tiếp xuông sông.
Ở tỉnh Nam Kalimantan của Indonesia, có khoảng 150 con sông và hàng nghìn nhà tiêu như vậy. Người dân địa phương thường gọi chúng là "nhà vệ sinh nổi".
Đây được coi là một trong những vấn đề nan giải của khu vực có hơn 4 triệu dân khi việc sử dụng những cầu tiêu như vậy đang làm ô nhiễm nguồn nước, mạch sống của cư dân.
Ramjaena và những người dân khác trong làng cho biết họ cũng không hề thoải mái khi phải sử dụng những "nhà vệ sinh lộ thiên" như vậy nhưng không còn lựa chọn nào khác vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Các nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi chính phủ xem xét vấn đề và có những hành động thích hợp. Tuy nhiên, để thay đổi điều này hoàn toàn không dễ dàng.
Kisworo Dwi Cahyono, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ (NGO) Walhi South Kalimantan cho biết, trong lịch sử, Nam Kalimantan và thủ phủ cũ của nó là Banjarmasin vốn là nơi có rất nhiều sông và nhánh sông.
“Điều này có nghĩa là về mặt văn hóa và truyền thống, người dân luôn gắn với sông nước, có thói quen sinh hoạt trên sông như tắm, đi tiểu và đại tiện, thậm chí đi lại bằng thuyền”, Cahyono nói.
Hanifah Dwi Nirwana, người đứng đầu cơ quan môi trường tỉnh lưu ý rằng hầu hết người dân dọc các con sông ở Nam Kalimantan đã phải sử dụng các nhà vệ sinh nổi trong nhiều năm qua. Đó là một phần trong lối sống truyền thống của Nam Kalimantan, vì người dân có thói quen giặt quần áo trên sông và hòa đồng với xóm làng.
Bà cho biết, thậm chí chính quyền địa phương cũng không biết chính xác số hộ dân như vậy.
Tuy nhiên, theo một số người dân ở làng Paku Alam, việc tiếp tục sử dụng "cầu tõm" không phải do lối sống xa xưa. Đơn giản họ không đủ tiền để xây nhà vệ sinh trong nhà.
Để xây nhà vệ sinh trong nhà, số tiền cần chi ra là 5 triệu rupiah (333 USD). Con số này cao hơn thu nhập hàng tháng của dân làng (khoảng 3 triệu rupiah). Và với gia đình có vợ chồng làm nông, phải nuôi 4 đứa con như Ramjaena, điều này là không khả thi.
Idup, người cũng sống ở Paku Alam, nói với CNA ông chỉ có đủ khả năng để làm một nhà vệ sinh nổi.
"Tôi đợi cho đến khi xung quanh yên tĩnh mới dám sử dụng", người nông dân ngoài 70 tuổi cho biết.
Dù khó chịu, Idup và Ramjaena cũng còn sướng hơn nhiều người làng khác. Vì điều kiện thiếu thốn, nhiều gia đình còn phải góp tiền để xây chung nhà vệ sinh nổi. Điều này thực sự bất tiện khi nhiều người có nhu cầu cùng lúc.
Đỗ An (Theo CNA)