"Trong 3 năm qua, mỗi năm làng chúng tôi lại có một cặp sinh đôi. Điều này chứng tỏ đây chắc chắn là 'ngôi làng song sinh'", Li Yuxia, bí thư làng Baimu, người có hai con gái sinh đôi, cho biết.
Trong 33 cặp song sinh chào đời tại làng, 21 cặp vẫn sống khỏe mạnh, 7 cặp chỉ còn một người sống và 5 cặp đã qua đời.
Những cặp còn sống (cả hai hoặc một người) có 10 đôi là nam, 11 đôi nữ và 7 cặp sinh đôi khác giới tính.
Không chỉ những người ngoài làng mà cả dân làng và họ hàng trong gia đình cũng thường bị nhầm lẫn bởi các cặp song sinh có ngoại hình gần như giống hệt nhau.
Li kể trước đây hai con gái sinh đôi của cô học cùng lớp ở trường tiểu học. Tuy nhiên, vì không phân biệt được hai chị em, giáo viên phải tách mỗi người sang một lớp.
Huang Wenjuan, người mẹ có hai con gái sinh đôi 3 tuổi, cho biết: "Đôi lúc thậm chí tôi không thể phân biệt khi cho con ăn. Tôi bón cho đứa lớn 2 lần và không cho đứa nhỏ ăn vì nhầm lẫn. Cuối cùng, cả hai con đều khóc vì đứa quá no và đứa quá đói".
Huang He, cha của một cặp sinh đôi (một trai, một gái), nói rằng thật kỳ lạ khi cặp song sinh không ở cùng nhau nhưng cả hai vẫn bị cảm lạnh cùng lúc.
"Tôi không dám sinh thêm vì nhiều khả năng sẽ tiếp tục sinh đôi", Huang nói.
Người dân trong làng khẳng định các cặp sinh đôi đều được thụ thai tự nhiên. Họ cho rằng đất, nước ở làng khiến các cặp vợ chồng dễ sinh đôi, dù không có bằng chứng khoa học chứng minh điều này.
Theo Yu Rong, bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện Tuyên Vũ ở Bắc Kinh, trên thế giới, tỷ lệ sinh đôi của một cặp vợ chồng là 1% và tỷ lệ này ở Trung Quốc là 0,5%.
"Nếu trong gia đình có người từng sinh đôi, nhiều khả năng họ hàng, người thân cũng sẽ sinh đôi. Nhưng do áp dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể số lượng cặp song sinh chào đời trong những năm gần đây", bác sĩ Yu nói.
Theo Zing