Nhanh như điện...
Đến giờ, anh Vũ Văn Hùng (Ba Vì, Hà Nội) vẫn chưa quên “tốc độ” lắp điện cho gia đình. Khi muốn kéo điện cho ngôi nhà đang xây, anh nghĩ rằng sẽ phải nhờ vả rất nhiều. Đang loay hoay không biết tìm ai giúp, thì một người bạn liền bảo anh gọi lên số Tổng đài Chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội. Ngay lập tức, thông tin và các yêu cầu của anh được nhân viên tổng đài tiếp nhận.
24 giờ sau, nhân viên Điện lực Ba Vì liên hệ với anh và trực tiếp xuống khảo sát thực tế, một bảng kê chi phí được thiết lập. Trong vòng chưa đầy 3 ngày, đèn nhà anh đã sáng.
“Tôi không ngờ ngành điện giờ thay đổi nhiều như vậy, cứ nghĩ phải nhờ cậy mới được lắp điện như trước”, anh Hùng hào hứng kể.
Thực tế, dịch vụ điện đến nay đã khác nhiều. Áp dụng chuyển đổi số, khách hàng chỉ cần ngồi một chỗ và yêu cầu cung cấp dịch vụ. Tất cả mọi khâu đều sẽ được giám sát chặt chẽ về thời gian triển khai, cho nên không một nhân viên điện lực nào dám chểnh mảng hay vòi vĩnh. Điều đó giúp không ít khách hàng như anh Hùng hài lòng xen chút ngạc nhiên vì tốc độ và thái độ phục vụ khách hàng.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết: “Các dịch vụ điện trực tuyến đã được tập đoàn chỉ đạo triển khai mạnh mẽ và đã đạt kết quả rất khả quan. Trong đó, 99,67% các yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận qua các kênh tổng đài và các kênh trực tuyến; 97,9% các giao dịch được thực hiện theo phương thức điện tử”.
Thực tế, các nghiệp vụ của ngành điện đã thực sự “nhanh như điện”. Ngay cả phương thức thanh toán tiền điện, thay vì phải đi đến các điểm thu tiền điện như trước thì nay khách hàng có thể thanh toán trực tuyến bằng nhiều công cụ.
Trong khâu chuyển khoản lại có nhiều hình thức khác nhau để thực hiện thanh toán tiền điện như: Trích nợ tự động tài khoản, thanh toán qua Internet Banking/Mobile Banking, thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, thanh toán qua ví điện tử (ZaloPay, Momo, Viettel Pay... ), quét mã QR, thanh toán tại phòng giao dịch của các công ty điện lực... theo phương châm mọi lúc, mọi nơi -24/7.
Được biết, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tại Hà Nội và nhiều địa phương đã đạt 100%.
Số hóa tất cả các khâu
Không chỉ trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, ngành điện đang đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất khác. Cụ thể, 100% các trạm biến áp 110kV (trạm biến áp trung gian phổ biến nhất của ngành điện) đã được số hóa thành trạm không người trực, được điều khiển xa từ các trung tâm điều khiển tại 63 tỉnh, thành; 88% trạm biến áp 220kV đã được điều khiển từ xa (tăng 18 trạm so với năm 2021).
Trong công tác sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị, ngành điện đã thử nghiệm thành công AI (trí tuệ nhân tạo) trong phân tích hình ảnh, nhằm nâng cao độ chính xác của hệ thống phục vụ công tác giám sát vận hành, phát hiện tình trạng bất thường của các đường dây truyền tải.
Được biết, những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời. Đây là những nguồn năng lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do đó, để có thể đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, cần phải có những dự báo chính xác.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết: “EVN đã ứng dụng AI để giám sát điện mặt trời mái nhà. Đồ thị phân bổ sai số phần trăm (Percentage Error) của các điểm dữ liệu dự báo công suất điện có thể giám sát/ dự báo với mức sai số chuẩn xác, giúp việc phân bổ và điều độ lưới điện một cách khoa học, chính xác, quản lý tổn thất điện năng một cách tối ưu”.
Dù còn rất nhiều quy trình cần phải thay đổi, nhiều dự án đang chờ ngành điện ở phía trước, nhưng với những kết quả chuyển đổi số bước đầu, EVN đang dần hiện thực hóa những mục tiêu đề ra tại Đề án Chuyển đổi số của ngành, qua đó tự tin hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.