Xem video: 

8 tuổi đã theo cha kiếm xác, cứu người

Cuối ngày, mặt sông Sài Gòn lấp loáng nắng chiều. Ông Nguyễn Văn Chúc (65 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại ra ngồi vắt vẻo trên chiếc cầu gỗ gối lên những con sóng lăn tăn.

Nhìn về phía chân cây cầu Bình Lợi cũ (phường 13, quận Bình Thạnh), ông buồn bã nói mình vừa vớt thi thể nam sinh tự tử cách đây ít ngày. Tìm kiếm, trục vớt thi thể người chết trên sông nước không phải là nghề của ông.

Tuy vậy, ông đã làm công việc này từ khi mới là cậu bé 8 tuổi. Trước đây, bố ông Chúc vốn là dân chài lưới. Trong lúc mưu sinh, ông thường tình cờ phát hiện và trục vớt thi thể người chết trôi.

Biết ông có tâm, mỗi khi có người mất tích, nhảy cầu, bố ông Chúc thường được người nhà nạn nhân nhờ tìm kiếm, vớt thi thể. Mỗi lần như thế, ông Chúc thường được ba dắt theo.

{keywords}
Cuối ngày, ông Chúc lại ra chiếc cầu gỗ bắc trên bờ sông Sài Gòn hóng mát.

Theo bố đi tìm, vớt thi thể người, ông Chúc khi đó mới 8 tuổi nên rất sợ. Sau mỗi lần như thế, đêm về ông không dám bước ra khỏi nhà. Ai hỏi, ông cũng thành thật trả lời là mình sợ ma. Lớn hơn một chút, ông không còn sợ nữa, vì biết đó là một công việc đầy tính nhân văn.

Năm 20 tuổi, ông Chúc tự tay vớt cái xác đầu tiên. Đó là ngày ông không bao giờ quên. Hôm ấy, ông đã vượt qua những nỗi sợ vô hình. Ông chạm tay vào thi thể người xấu số bằng niềm cảm thương, lòng mong mỏi đưa họ về nơi an nghỉ yên ấm.

Thế rồi công việc trục vớt xác người trên sông vận vào đời ông. Nhiều lần, trong lúc đánh lưới, quăng chài… ông rùng mình khi vướng phải thi thể người.

Những lúc như thế, ông lại trấn tĩnh, tìm cách cố định, đưa thi thể người xấu số vào bờ. Sau khi chắc chắn cái xác không thể trôi đi, ông mới trình báo lực lượng chức năng địa phương đến làm việc.

{keywords}
Ông gần như sống cả đời ở ven sông này và cứu vố số người nhảy cầu tự tử.

Sau này, mỗi khi ai đó phát hiện thi thể người trên sông, có người chết đuối, nhảy cầu tự tử… ông cũng là cái tên đầu tiên được thân nhân nạn nhân, chính quyền địa phương nhờ đi tìm, vớt xác. Thấm thoát đã hơn 40 năm nay, ông gắn bó với công việc tìm, vớt thi thể người chết trôi không lương.

Suốt chừng ấy năm, ông không nhớ nổi mình đã tìm và trục vớt bao nhiêu thi thể. Ông chỉ biết rằng mình đã vớt thi thể của trẻ em, thanh niên, người lớn tuổi...

Ông tâm sự: “Những thi thể đã phân hủy, đứng từ xa, tôi không chịu nổi mùi hôi. Những lúc như thế, tôi thường khấn xin họ cho phép tôi đưa họ về nơi an nghỉ. Thế là khi đến gần, tôi không còn ngửi thấy mùi gì nữa”.

{keywords}
Ông cho biết, cây cầu Bình Lợi cũ này là nơi nhiều người đến tự tử. Ông đã cứu sống rất nhiều người tại đây.

“Mỗi khi chạm vào thi thể người đã khuất bằng tay không, đêm về, dù đã chà rửa, hơ lửa… bàn tay ấy vẫn lạnh buốt cả ngày. Ngoài chuyện này ra, suốt bấy nhiêu năm, tôi chưa gặp điều gì đáng sợ, thậm chí chưa một lần nằm mơ thấy ác mộng”, ông chia sẻ thêm.

Dựng nhà không vách để canh, cứu người nhảy cầu

Cũng như cha, nhiều năm trước, ông Chúc mưu sinh bằng nghề thả lưới, đánh chài, đặt đóm… trên sông Sài Gòn. Thời điểm ấy, vợ chồng ông lênh đênh trên mặt nước bằng chiếc thuyền gỗ cũ. Sau này, khi được người dân nhờ chở cá ra sông phóng sinh, ông không đánh bắt cá nữa.

Ông từ bỏ nghề chài lưới và biến mình thành một “tay xe ôm trên sông”. Cùng với chiếc thuyền của mình, ông nhận chở thuê, giao hàng... Chiếc thuyền ấy vừa là phương tiện mưu sinh vừa là vật dụng để ông tìm kiếm, trục vớt xác, cứu người nhảy cầu tự tử.

Vài năm trở lại đây, chiếc ghe gỗ mục nát, không ở nổi nữa ông mới rời mặt nước. Lên bờ, ông dựng tạm cái nhà nhỏ lọt giữa 2 cây cầu Bình Lợi cũ và cầu Bình Lợi mới làm nơi tránh nắng, che mưa.

{keywords}
Trong khi đó, ông chỉ mới ghi nhận và cứu sống một trường hợp nhảy cầu tự sát tại cây cầu mới.

Gọi là nhà nhưng đó chỉ là cái chòi nhỏ được dựng tạm bằng những tấm gỗ cũ. Phía đối diện mặt sông, ông Chúc không dựng vách mà chỉ che tạm bằng tấm bạt mỏng. Mục đích của việc này là để ông “quan sát cho dễ, xem có ai định nhảy cầu tự tử hay không rồi chạy ra cứu cho kịp”.

Chỉ tay về phía cây cầu cũ, ông Chúc nói: “Người ta ra cầu cũ tự tử nhiều lắm. Tôi không nhớ nổi đã cứu được bao nhiêu người và vớt bao nhiêu cái xác của những người nhảy từ cây cầu này rồi”.

Cứ thấy ai đến cầu một mình với vẻ mặt buồn bã vào giờ ít người qua lại hoặc bước ra thành cầu, chắp tay vái lạy… là ông gọi điện thoại báo công an vì tin có thể họ sẽ nhảy cầu tự sát.

Ông cũng bỏ hết mọi việc ngồi canh chừng. Ông không dám rời nhà, lên cầu khuyên can vì biết sẽ không kịp.

Thế nên, ông thường nổ máy thuyền, sẵn sàng cho việc lao ra mặt nước khi ai đó bất ngờ nhảy xuống lòng sông sâu hơn 20m. Sau nhiều năm, ông nhạy bén với các trường hợp nhảy cầu tự vẫn đến nỗi “dù đêm hay ngày, nghe tiếng “ùm” ngoài sông là lao ra cứu người liền”.

{keywords}
Sau khi lên bờ, ông dựng nhà không có bức vách phía đối diện bờ sông để tiện quan sát, canh chừng, cứu người nhảy cầu tự sát.

Ông nói: “Người ta nhảy xuống, nếu mình cứu kịp sẽ không chết. Mỗi lúc cứu được người, tôi đều hỏi nguyên nhân rồi khuyên can họ suy nghĩ lại vì sự sống là vốn quý của con người. Còn sự sống là còn hy vọng.

Đa số những người tự tử được tôi cứu đều rơi vào các tình cảnh éo le như thiếu nợ, thất tình, mắc bệnh hiểm nghèo, các cô gái thì có thai ngoài ý muốn rồi bị bỏ rơi, cha mẹ già bị con cái ruồng bỏ... Sau khi được cứu, đa số họ đều cảm thấy hối hận và thấy mình sai khi quyết định từ bỏ mạng sống”.

Theo ông, khi có ý định tự sát, những người này không nghĩ được gì, chỉ mong muốn kết thúc cuộc đời. Thế nhưng khi được cứu sống, họ lại thực sự hối hận và thức tỉnh. Họ trở nên yêu cuộc sống, sợ cái chết.

{keywords}
Mỗi lúc nghi có người tự sát, ông sẽ nổ máy thuyền, chuẩn bị sẵn sàng lao ra sông ứng cứu.

Nhiều người khi được ông cứu sống đã khóc nức nở. Họ cám ơn ông và nói rằng ông đã tái sinh, cho họ cuộc đời thứ hai. Sau khi hồi tâm, lấy lại tinh thần, những người này đã đến tìm, tri ân ông bằng nhiều cách.

Cũng từ những lần cứu người như thế, ông Chúc có thêm người con nuôi hiếu nghĩa. Ông kể: “Năm 2015, tôi cứu một cậu thanh niên quê ở Nghệ An nhảy cầu tự tử. Về sau, cháu nhận tôi làm bố nuôi. Mấy năm trước, gia đình, dòng họ cháu mời tôi ra Nghệ An thăm nhà”.

“Hơn thế, cháu còn cho tôi đi thăm Lăng Bác. Đến tận bây giờ, cháu vẫn đề nghị tôi bỏ hết cuộc sống cơ cực ở đây, ra Nghệ An sống để cháu tiện chăm lo cho tôi lúc tuổi già”, ông kể thêm.

Hà Nguyễn

Người đàn ông vớt nam sinh trên sông Sài Gòn: Cháu trẻ quá, rất xót xa

Người đàn ông vớt nam sinh trên sông Sài Gòn: Cháu trẻ quá, rất xót xa

Phát hiện xác nam sinh, ông Chúc ra sông, dùng dây cố định, đưa thi thể vào bờ. Lúc này, chiếc ba lô trên lưng nạn nhân vướng vào chướng ngại vật khiến việc trục vớt gặp khó khăn.