Tại Toạ đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 14/8, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, cho biết livestream là một trong những xu thế kinh doanh mới, tiếp cận người tiêu dùng theo cách mới.
“Chúng tôi đang dự kiến xây dựng một công cụ có thể kết nối các nền tảng với nhau. Người bán hàng ngồi tại Việt Nam cũng có thể thuê 1 người livestream cho mình tại Malaysia chẳng hạn. Không doanh nghiệp nào có thể xây bộ máy livestream ở từng quốc gia như Malaysia, Thái Lan…
Mong muốn của chúng tôi là qua công cụ của Shopee, một doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận livestream dễ dàng để bán hàng ra thị trường quốc tế. Tham vọng của chúng tôi đến cuối năm sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt có khả năng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, nhưng trong tương lai gần, chúng tôi tin rằng sẽ đạt được con số 100.000 doanh nghiệp”, ông Tuấn tiết lộ.
Thời gian qua, Shopee đã trở thành cầu nối giúp nhiều doanh nghiệp/hộ kinh doanh đưa sản phẩm Việt “xuất ngoại”.
Hộ kinh doanh may mặc của bà Nguyễn Thị Thảo ở Nam Định là một ví dụ. Bà Thảo cho biết: “Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với Shopee để cung cấp thêm nhiều sản phẩm ra thị trường trong khu vực. Đội ngũ Shopee đã giới thiệu với chúng tôi chương trình xuất khẩu trực tuyến của sàn. Nếu điều này được thực hiện thì thật tuyệt vời với chúng tôi và người dân Nam Định khi mang được sản phẩm của địa phương ra thị trường quốc tế. Điều này chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến khi chưa hợp tác với Shopee”.
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới (xuất khẩu trực tuyến) đang là xu hướng tất yếu của kinh tế số.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê mới đây cho thấy, TMĐT xuyên biên giới chiếm 20-22% tổng giá trị TMĐT toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới gấp 2,3 lần tốc độ tăng trưởng chung về TMĐT.
Việt Nam là nền kinh tế hướng xuất khẩu, nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giày, gạo, nông sản… Tiềm năng, dư địa cho TMĐT xuyên biên giới rất lớn.
Ước tính giá trị TMĐT B2C (người bán/nhà sản xuất đến người tiêu dùng) năm 2022 đạt 3,3 tỷ USD, kỳ vọng năm 2027 có thể đạt hơn 11 tỷ USD nếu có cơ chế chính sách hỗ trợ từ cả nền tảng TMĐT cũng như cơ quan quản lý.
Bà Việt Anh nhấn mạnh, một trong những định hướng chính trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT 5 năm tới là TMĐT hướng tới hỗ trợ xuất khẩu, đưa sản phẩm “Made in Vietnam” ra được thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) lưu ý rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang xây dựng một số nền tảng TMĐT B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) kết nối với các nền tảng TMĐT lớn của thế giới như Amazon, Alibaba… để hàng hóa Việt khi lên sàn TMĐT của Việt Nam thì cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng TMĐT lớn của thế giới, kết nối trực tiếp người mua với người bán, nhà sản xuất.
“Bài toán” công nghệ đang dần có “lời giải”. Tuy nhiên, hành trình đưa hàng Việt ra nước ngoài vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
“Việt Nam có tới 5.000-6.000 nghìn mặt hàng OCOP, nhưng OCOP 5 sao có thể xuất khẩu được thì còn ít”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phản ánh hiện trạng.
Theo ông Thành, để xuất khẩu trực tuyến thành công, hàng Việt cần chú ý tới một số vấn đề. Chẳng hạn, cần đáp ứng xu thế cách mạng tiêu dùng hiện nay với các tiêu chí: xanh, an toàn, nhân văn, cá tính (tiêu chí mới của khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và lớp trẻ).