Chimney cake (hay còn gọi là bánh ống khói), món ăn đường phố phổ biến vào các dịp lễ ở các nước phương Tây, có nguồn gốc từ Hungary đã xuất hiện tại Việt Nam khoảng 6 tháng nay. Trong ảnh là một cửa hàng kinh doanh loại hình ẩm thực này ở phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm).
Tại đây, thiết bị và dụng cụ làm bánh khói được đặt ngay gần khu vực tiếp khách. Trụ nướng bánh có chiều dài 70-80cm, bán kính 7cm-8,5cm được xếp ngay ngắn trên các giá đựng trong cửa hàng.
Với nguyên liệu chính là bột chimney nhập khẩu từ châu Âu, sau khi nhào cho thật dẻo chúng được quấn quanh trục quay để tạo hình rồi lăn trong đường để lớp vỏ có vị ngọt.
Sau khi tạo hình, người thợ sẽ nướng bánh với lượng nhiệt lên tới 100 độ C từ 5-7 phút tuỳ theo kích thước.
Điểm khác biệt so với kem truyền thống của món này là ăn kèm với bánh nướng, khá lạ miệng, do vậy có thể gọi là bánh hoặc kem. "Nguyên liệu chính hãng được cửa hàng nhập từ nước ngoài nên giá thành cao hơn so với những loại kem khác", anh Việt (chủ cửa hàng) chia sẻ.
Vào giờ cao điểm cửa hàng nướng sẵn 2 khay giúp khách không phải đợi lâu. "Ngon nhất là khi bánh được nướng xong ăn với kem luôn. Vỏ bánh được bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 3-4 tiếng nên nếu để ở ngoài lâu sẽ bị cứng", anh Việt nói thêm.
Kem được bảo quản ở nhiệt độ 0 đến -20 độ C, hoàn toàn là kem tươi. Hiện tiệm này sản xuất bánh với 4 vị chính là sữa chua, than tre, chocolate và phúc bồn tử. Vỏ bánh cũng có 8 loại khác nhau để khách dễ lựa chọn.
Khi bánh được trang trí cùng với nhiều nguyên liệu khác như hạt chocolate đủ màu, bánh ốc quế, kẹo viên, marshmallow... trông khá hấp dẫn. Trung bình một ngày cửa hàng bán được gần 200 chiếc, vào những ngày cuối tuần có thể lên tới 400 chiếc. Giá cho mỗi chiếc kem từ 30.000-60.000 đồng.
"Ngồi xem trên mạng thấy vỏ bánh được nướng trên bếp thấy lạ lạ nên chúng tôi đến ăn thử xem sao. Vị của nó khá đặc biệt, khác so với những loại kem thông thường, đặc biệt vỏ bánh có mùi thơm", Mai chia sẻ.
Hiếu (quận Đống Đa) cho biết, cũng từng thử một loại kem tương tự, ăn cùng bánh mì nhưng khi ăn loại kem Hungary này anh đánh giá cao hơn. "Kem kẹp Singapore là ăn theo từng miếng, nó cứng và nhiều đá hơn còn đây tôi thấy vị kem tươi khá rõ. Vỏ bánh cũng được rắc thêm nhiều topping khác nhau nên tôi thấy lạ miệng", Hiếu nói.
Sau giờ tan học, Hải và Hằng đi từ huyện Đông Anh tới phố Nguyễn Hữu Huân (cách xa 20km) để ăn thử loại kem đang dần trở thành trào lưu này. "Ăn ngon hơn so với các loại kem truyền thống khác vì chúng không nhiều đá dăm, nhưng tiếc là giá hơi cao, khó có thể thưởng thức thường xuyên", Hải nhận xét.