Theo Mirror, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu của hơn 20.000 người Tây Ban Nha. Kết quả cho thấy những người ngủ trưa lâu gần như tăng gấp đôi nguy cơ mắc các vấn đề về tim. Phân tích ghi nhận thời gian tối ưu để ngủ trưa là từ 15 đến 30 phút.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Jesus Diaz-Gutierrez, Bệnh viện Đại học Juan Ramon Jimenez (Tây Ban Nha), cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng thời gian chợp mắt trong ngày nên được giới hạn dưới 30 phút. Những giấc ngủ trưa dài có thể phá vỡ đồng hồ sinh học trong cơ thể - còn gọi là nhịp sinh học - dẫn đến giấc ngủ đêm ngắn hơn, thức giấc nhiều hơn và giảm hoạt động thể chất”.
“Ngược lại, giấc ngủ trưa ngắn có thể cải thiện nhịp sinh học, hạ huyết áp và giảm căng thẳng. Những người bị rối loạn giấc ngủ vào ban đêm nên tránh dựa vào giấc ngủ ngắn để bù đắp cho sự thiếu hụt”, Tiến sĩ Diaz-Gutierrez nói.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 20.000 người đã tốt nghiệp đại học có độ tuổi trung bình là 38 và xem xét nguy cơ rung tâm nhĩ của họ. Đây là tình trạng nhịp tim không đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và các biến chứng liên quan đến tim khác.
Dự án của Đại học Navarra đã tiến hành phân tích thứ hai để xác định thời gian ngủ trưa có liên quan đến nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim phổ biến trên.
So với những người ngủ trưa hơn 30 phút mỗi ngày, những người ngủ trưa dưới 15 phút có nguy cơ bị rung tâm nhĩ thấp hơn 42%. Chỉ số này ở nhóm ngủ trưa từ 15 đến 30 phút là giảm 56%. Kết quả được trình bày tại hội nghị Tim mạch Dự phòng ESC ở Malaga, Tây Ban Nha.
Tiến sĩ Diaz-Gutierrez nói thêm: “Các nghiên cứu trước đây đánh giá kiểu ngủ có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của chứng rung tâm nhĩ. Tuy nhiên, theo như chúng tôi biết, đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích mối quan hệ giữa giấc ngủ trưa và nguy cơ rối loạn nhịp tim”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Diaz-Gutierrez cũng cho rằng cần có những nghiên cứu lớn hơn để xác định liệu một giấc ngủ ngắn có tốt hơn là không chợp mắt chút nào hay không.