Ba cổ phiếu “họ FLC” bất ngờ xanh trong một phiên cả thị trường hoảng loạn bán tháo hiếm có. Hai doanh nghiệp đã có giải trình sự chậm trễ công bố báo cáo tài chính sau khi bị đưa vào diện kiểm soát.
Trái ngược với chuỗi ngày giảm sàn kéo dài và khiến nhiều nhà đầu tư cháy túi, bốc hơi 50-80% trong một khoảng thời gian ngắn, cổ phiếu Tập đoàn FLC (FLC), cổ phiếu Xây dựng Faros (ROS) và Nông dược HAI (HAI) tăng nhẹ trong phiên giao dịch 25/4 khi mà đa số các cổ phiếu lao dốc, trong đó có hàng trăm mã giảm sàn, VN-Index rớt 68 điểm (-5%) về ngưỡng 1.310 điểm.
Sức cầu đối với FLC và ROS cũng khá lớn. Tổng cộng có khoảng 30 triệu đơn vị của 2 mã này được khớp lệnh. Nhiều người liên tưởng đến cú ngược dòng thoát sát trong “ngày nổi sóng” 1/4 khi mà thanh khoản tăng gấp 100 lần
Gần 53 triệu cổ phiếu FLC và 46 triệu cổ phiếu ROS giá sàn được hấp thụ ngay từ những phút đầu phiên chiều 1/4, cộng thêm hàng chục triệu đơn vị được khớp lệnh sau đó.
Trước phiên 1/4, nhóm cổ phiếu trong “họ FLC” đã liên tục bị bán tháo do những thông tin tiêu cực liên quan đến việc cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị cấm xuất cảnh và bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán.
Sau khi bị cơ quan chức năng bày xem xét kiểm tra giao dịch đột biến trong ngày 1/4, các cổ phiếu “họ FLC” lại tiếp tục chuỗi ngày giảm sàn trước khi tăng trở lại trong phiên cuối tuần (22/4) và phiên hôm qua (25/4).
Gần đây, 3 cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC bao gồm FLC, ROS, HAI cùng lúc bị HoSE quyết định đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân bởi 3 doanh nghiệp này đã chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
FCL sau đó đã ó giải trình cho biết, Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt hiện là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của FLC Group nhưng ngày 30/3, công ty kiểm toán này đã bị Ủy ban Chứng khoán đình chỉ tư cách được kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Vì vậy BCTC năm 2021 của FLC đến nay chưa được phát hành và công bố thông tin đúng thời hạn.
Nông Dược HAI cũng vừa cho biết, trong quá trình thực hiện lập báo cáo tài chính năm 2021, có một số hạng mục phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19 dẫn đến việc công ty cần có thêm thời gian để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cũng theo HAI, đơn vị kiểm toán và nhân sự kế toán tài chính của công ty bị nhiễm COVID-19 trong giai đoạn chốt báo cáo, ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ và phải điều chỉnh nhân sự khác thay thế dẫn đến công tác hoàn thành báo cáo tài chính năm 2021 (riêng và hợp nhất) cùng với đơn vị kiểm toán bị gián đoạn.
HAI cho biết sẽ hoàn tất báo cáo, công bố thông tin chậm nhất vào ngày 6/5/2022.
FLC Faros trong khi ddos chưa có văn bản giải trình.
Đà bán tháo suy giảm
Thoe Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khả năng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật khi VN-Index giảm về mức hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm và vùng đáy cuối tháng 8/2021. Đồng thời, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có khả năng xác lập vùng đáy ngắn hạn.
VDSC cho rằng, đà giảm có thể được kìm hãm. Thị trường đã giảm kéo dìa 3 tuần và lấy đi gần 214 điểm của VN-Index. Thanh khoản giảm cho thấy dòng tiền vẫn chưa có động thái mua mạnh mặc dù chỉ số giảm sâu.
Tuy nhiên, mức giảm sâu hiện tại đã đưa VN-Index càng lùi về gần vùng hỗ trợ tốt trong quá khứ, vùng 1.250-1.300 điểm, và trong tình trạng quá bán mạnh. Đối với VN30-Index, chỉ số đang đóng cửa cận vùng 1.358 điểm, vùng hỗ trợ tốt trong tháng 7/2021. Dự kiến dòng tiền bắt giá thấp sẽ hoạt động tích cực trong phiên giao dịch tiếp theo và giúp kìm hãm đà giảm hiện tại của thị trường.
Trong khi đó, SHS cho rằng, khả năng thị trường giảm mạnh là khó có thể xảy ra. Nếu xét trên khía cạnh định giá thì P/E của VN-Index sau phiên 25/4 là khoảng 15,5 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của VN30 chỉ có 14,8 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm. VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm được giữ vững.
Chốt phiên 25/4, chỉ số VN-Index giảm 68,31 điểm xuống 1.310,92 điểm. Tất cả 30 mã chủ chốt thuộc nhóm VN-30 đều giảm giá. Trong đó, Bảo Việt, BIDV, FPT, PNJ, VPBank, GVR, , Vietinbank, Hòa Phát, GAS, MWG, Petrolimex, Sabeco, SSI, POW, Sacombank, TPBank giảm sàn. HNX-Index giảm 21,61 điểm xuống 337,51 điểm. Upcom-Index giảm 4,61 điểm xuống 99,54 điểm. Thanh khoản đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 21,9 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
V. Hà