Xuất hiện người ảo AI livestream bán hàng
Tại sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành", được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 11 đến 15/12 vừa qua, một trong những điều gây bất ngờ là sự xuất hiện của những người ảo AI livestream bán hàng.
5 người ảo AI - công nghệ do công ty Aeyes Global cung cấp - đã livestream bán hàng tại sự kiện này.
Theo ông Đặng Thái Dương, phụ trách marketing của công ty, trong 18 tiếng đồng hồ, những người ảo AI đã livestream, bán được 900 đơn hàng, thu về 150 triệu đồng.
Ông Đặng Thái Dương cho biết việc triển khai người ảo AI để livestream bán hàng cũng rất đơn giản, chỉ cần một nhân sự vận hành cả 5 phiên livestream với 5 bộ máy tính, giúp tiết kiệm chi phí thuê các KOL, KOC hay các streamer và không phải triển khai các máy móc rườm rà…
Được biết, công nghệ sử dụng người ảo AI livestream bán hàng đang rất phổ biến tại Trung Quốc và Aeyes Global đã đưa về Việt Nam để ứng dụng.
Sự xuất hiện của những người ảo AI này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu nó có lấy mất việc làm của các KOL, KOC hay các streamer hiện nay hay không, bởi lẽ tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang chọn công nghệ này để tiết kiệm chi phí thuê KOL.
Mới chỉ là một công cụ hỗ trợ
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, đơn vị đang hợp tác với 80.000 KOC để cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, ở góc độ thương hiệu, việc sử dụng các người ảo AI livestream là một giải pháp tốt, giúp tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro do KOC bị "phốt", kiểm soát được nội dung cần nói và có thể livestream 24/7.
Tuy nhiên, ở góc độ người dùng thì người ảo AI livestream vẫn chưa hiệu quả vì người dùng cần một người bán hàng cho họ niềm tin, có bản sắc chứ không phải một robot. Đặc biệt, các KOC có thể bảo vệ người dùng khi xảy ra vấn đề về chất lượng sản phẩm còn người ảo AI thì rất khó.
Ở góc độ cơ quan quản lý, do việc AI không phải là người, ông Đỗ Hữu Hưng cho rằng sẽ gặp phải các vấn đề về trách nhiệm và khó kiểm soát. Chính vì thế, theo ông, trong ngắn hạn, AI chưa đủ khả năng để cạnh tranh với con người, nó chỉ là công cụ hỗ trợ, chẳng hạn KOC có thể dùng phiên bản AI của mình để thực hiện các phiên livestream 24/7…
Trong khi đó, ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập Lovinbot đồng thời đang cung cấp các giải pháp AI trong lĩnh vực thương mại điện tử, cho biết khi theo dõi xu hướng livestream tại Việt Nam, ông nhận thấy thị trường sẽ cập nhật các xu hướng từ Trung Quốc khá rõ rệt.
Hiện livestream bằng người ở Trung Quốc đang giảm sự hấp dẫn do chi phí thuê KOL quá cao, khách bắt đầu chọn lọc nhiều hơn. Do đó, công nghệ AI livestream đang phổ biến ở Trung Quốc nhờ chi phí rẻ và xu hướng này đang tác động trực tiếp đến thị trường Việt Nam, chắc chắn sẽ trở nên phổ biến trong tương lai do khả năng mở rộng và sự tiện lợi của nó khi có thể livestream tới 1000 sản phẩm/phiên.
Tuy nhiên, ông Đặng Hữu Sơn cũng cho rằng AI livestream khó có thể hoàn toàn thay thế các KOL hay các streamer chuyên nghiệp. Những người livestream chuyên nghiệp sở hữu những điểm độc đáo, khó có thể sao chép, như khả năng tương tác tự nhiên và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Chính vì thế, các KOL, KOC và streamer chuyên nghiệp có thể cho thuê hình ảnh và sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để mở rộng tầm ảnh hưởng và đa dạng hóa nội dung của mình.