
Ở ngôi nhà nằm sâu trong xóm 7, thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), ông Ngô Bá Dục (82 tuổi) ngồi cầm từng tấm ảnh, mắt đỏ hoe nhớ những kỷ niệm về người bạn thân thời niên thiếu Nguyễn Phú Trọng.
Ông Dục cho biết, ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học chung với nhau từ cấp 1 lên cấp 3. Đến đại học, Tổng Bí thư đỗ trường Đại học Tổng hợp, còn ông theo ngành sư phạm.
"Chúng tôi hợp tính nhau và sống rất chân thành. Anh Trọng là người cẩn thận, chữ rất đẹp", ông Ngô Bá Dục nhớ lại.

Kể về thời học phổ thông, ông Ngô Bá Dục cho biết, ông và Tổng Bí thư phải đi từ huyện Đông Anh sang huyện Gia Lâm học. Lúc đó, hai anh em thuê trọ ở nhà dân, cùng nấu cơm, cùng đi dạy để kiếm tiền mua sách và trang trải sinh hoạt.
"Thời đó, mỗi tháng, học sinh được phát 15 đấu gạo, tất cả các chi phí khác đều phải tự lo. Chúng tôi từng bơi ra bãi sông Hồng vớt củi về phơi khô để đun nấu. Buổi chiều học xong, tôi và anh Trọng thường vào Khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân để có thêm thu nhập", ông Dục kể lại.
Ông Dục cho biết, Tổng Bí thư là người rất giản dị. Thời điểm đi học, nói đến Ngô Bá Dục là mọi người nhắc đến "anh mặc quần áo nâu", còn người mặc "quần cá rô đớp gấu" là nói đến Tổng Bí thư.

"Gọi như vậy vì tôi hay mặc quần áo màu nâu, còn anh Trọng hay mặc quần cá rô đớp ống. Thời đó, các cụ may quần áo cho con bao giờ cũng chừa 1 khoản vải để đợi lớn, nhưng chưa lớn thì quần đã bị sờn, rách ống", ông Dục cho biết.
Ông Ngô Bá Dục kể, khi công tác, giữ các chức vụ quan trọng nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn dành thời gian để có mặt trong các buổi họp lớp.
"Tôi nhớ, có lần họp lớp, anh Trọng đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng vẫn đi xe ôm đến để gặp các bạn ở Hồ Tây", ông Dục ôn lại kỷ niệm.

Ông Dục vẫn nhớ như in, năm 2000, mẹ ông mất, Tổng Bí thư cũng về tận nơi thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Không chỉ với ông mà các bạn bè khác có việc gì Tổng Bí thư đều giúp đỡ rất nhiệt tình, đến nơi đến chốn.
"Khi nghe tin anh mất, tôi rất đau đớn. Anh ấy còn nhiều việc muốn làm... Nhưng biết làm thế nào, quy luật sinh, lão, bệnh, tử rồi…", ông Dục nghẹn giọng.


Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
