Béo phì liên quan đến hơn 200 bệnh lý
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết béo phì là một bệnh mạn tính và phức tạp. Nguyên nhân chính của béo phì liên quan đến tình trạng ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng như bột đường, chất béo và lối sống ít vận động.
Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này như do bệnh lý, di truyền, các tuyến nội tiết, ảnh hưởng của môi trường sống, thậm chí có thể do cả những biến cố xảy ra trong cuộc sống.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 được coi là béo phì. Với người châu Á, chỉ số này thấp hơn: người có BMI ≥ 23 được xem là thừa cân và BMI ≥ 25 là người bệnh béo phì.
Béo phì có liên quan đến hơn 200 bệnh lý khác nhau, là nguyên nhân khiến 2,8 triệu người tử vong mỗi năm. Một số biến chứng nghiêm trọng điển hình của căn bệnh này bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, chứng rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về xương khớp, ung thư...
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quang Khải, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), đối với người béo phì, việc tập luyện thể lực đơn thuần có hiệu quả giảm cân rất khiêm tốn, chỉ giảm được từ 1-3 kg trong vòng 6 tháng. Thực tế, không có hình thái tập luyện đơn độc nào mang đến sự khác biệt vượt trội so với giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng.
Tuy nhiên, bác sĩ Khải cũng chỉ ra giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng khó tránh việc bị giảm mô cơ, thiếu cơ, giảm vận động chức năng, giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt ở người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh. Do đó, cần kết hợp dinh dưỡng phù hợp và tập luyện thể lực.
Tập luyện ở người béo phì khó hay dễ?
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Khải, các tổ chức và hiệp hội đã đưa ra con số khuyến cáo rất cụ thể về việc vận động. Cụ thể, người bình thường cần duy trì sức khoẻ nên vận động 150 phút/tuần với cường độ vận động trung bình. Trong khi đó, người béo phì phải vận động với cường độ trung bình từ 60-90 phút/ngày. Đây là con số rất lớn với người bệnh béo phì.
Vì thế, bác sĩ Khải cho rằng không tạo áp lực cho người béo phì mà nên chỉ ra các lợi ích của việc tập luyện như: giữ được mô cơ, kiểm soát đường huyết, mỡ máu, cải thiện chức năng tim phổi, giấc ngủ ngon và tâm lý thoải mái hơn.
Để tính toán lượng calo tiêu hao mỗi ngày, người bệnh có thể sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử hoặc tính thủ công. Các bác sĩ cũng sẽ đánh giá nền tảng của từng người bệnh như thể trạng, bệnh lý nền, chế độ dinh dưỡng để lên kế hoạch cho tập luyện.
Theo bác sĩ Khải, tuỳ mục tiêu của người bệnh béo phì là giữ mô cơ, cải thiện cơ lực hay đốt cháy năng lượng, bác sĩ sẽ ưu tiên các bài tập phù hợp, dung nạp tốt nhất. Nếu để giữ mô cơ và cải thiện cơ lực, người béo phì sẽ tập kháng lực các nhóm cơ chính tứ chi. Nếu mục tiêu là đốt cháy năng lượng, người tập sẽ ưu tiên các bài sử dụng nhóm cơ lớn trong cơ thể vận động nhịp nhàng, đều đặn.
Tuy nhiên, cần phải bảo vệ khớp khi vận động ở những người béo phì. Thay vì chạy bộ nên khuyến cáo người bệnh đi bộ nhanh, thay việc đi lên đi xuống cầu thang bằng cách đạp xe.
“Y văn chỉ ra rằng, nếu tập luyện liên tục trong 30 phút, hiệu quả sẽ tương đương tập luyện 3 lần 10 phút. Điều này rất có giá trị vì người béo phì tập luyện 10 phút/lần sẽ dễ dung nạp hơn. Ngoài ra, nên đa dạng hóa các dạng bài tập, một số loại hình tương đương với đi bộ như hút bụi, làm việc nhà, xem YouTube để tập yoga, thái cực quyền”, bác sĩ Khải nói.
Thực tế trong lâm sàng, các bác sĩ thường sử dụng mô hình 3C khi tiếp cận và định hướng vận động cho bệnh nhân béo phì. Trong đó, "Commitment and Consistency" được hiểu là người bệnh phải tập luyện và cố gắng duy trì như một thói quen; "Counting every move" nghĩa là đếm hết các cử động trong ngày của người bệnh; "Continue to reach your goal" - người bệnh cứ vận động mỗi ngày để từ từ tiến đến mục tiêu.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh nếu thiếu sự phối hợp toàn diện trong điều trị, người bệnh béo phì khó có thể tránh vòng luẩn quẩn: giảm cân rồi lại bị tăng cân trở lại.