Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương nhấn mạnh đây là diễn đàn cho các nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về nâng cao năng lực sáng tác trẻ; đề xuất những giải pháp, phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước, các hội chuyên ngành hướng tới phát triển văn học trẻ.
Nhiều người trẻ rời khỏi văn đàn
Về tổng quan hoạt động văn học trẻ hiện nay, nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ cho biết, năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng. Có 138 đại biểu tuổi đời dưới 35 tham dự. Đây là số lượng đại biểu đông nhất nếu so sánh với 2 hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây.
Đại biểu ít tuổi nhất sinh năm 2007 (thời điểm đó mới 15 tuổi). Tuy tuổi đời trẻ nhưng không ít người trong số họ sở hữu “gia tài” ấn tượng. Có thể kể tên là: Vũ Đức Anh, Huỳnh Lê Triều Phú, Phạm Minh Quân, Phát Dương, Trác Diễm, Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Bình, Trang Nguyễn, Đinh Phương, Lý Hữu Lương, Văn Thành Lê, Lữ Thị Mai, Lê Quang Trạng, Phan Đức Lộc…
Nhà thơ Hữu Việt đưa ra nhận định, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam (nếu tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống chỉ khoảng 1,7%, một con số quá thấp và đã duy trì nhiều năm nay.
Đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, say mê sáng tác, viết ngày viết đêm, một số nổi lên như những tiềm năng, thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc đến. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra tại hội thảo. Một số kiến nghị cụ thể được đề cập thuộc về: đào tạo, tổ chức các cuộc thi, người cầm bút “phải sống” đã rồi mới viết.
Nhà văn Trịnh Thị Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khẳng định, các cuộc thi và giải thưởng văn chương đã tạo cơ hội cho các cây bút trẻ xuất hiện và thành danh. Tuy nhiên, đời sống xã hội đang đặt ra nhiều đòi hỏi gay gắt về nhu cầu vật chất của từng cá nhân, từng gia đình.
Hầu hết tác giả trẻ vẫn phải vật lộn với mưu sinh. Văn chương chưa được xem như một nghề để dồn mọi tâm huyết sống chết cùng trang viết nên nhiều dự định, nhiều hoài bão, nhiều ý tưởng vẫn còn chông chênh, rơi rớt. Không ít cây bút trẻ đã dừng bước trên hành trình chữ nghĩa nhọc nhằn bởi chưa đủ đam mê và cũng chưa đủ cô đơn để dành hết tâm lực cho văn chương.
Trước thực tế của sáng tác văn học trẻ TP.HCM, nhà văn Trịnh Thị Bích Ngân cho rằng, điều khó nhất với các cây bút trẻ có lẽ là tự thân nỗ lực đủ sức đối diện với thực tế, với khó khăn và giữ cho trái tim không khô cằn.
Văn chương không phải là gạch, văn chương là keo gắn kết
Tác giả trẻ Hiền Trang cho biết, tại một khóa đào tạo viết văn quốc tế tại Iowa (Mỹ), thành phố thứ 3 trên thế giới được UNESCO công nhận là thành phố văn chương, cô chưa bao giờ cảm nhận danh xưng "nhà văn" được mến trọng như thế.
"Nơi đây, làm văn chương là một nghề nghiệp được trọng vọng. Khi xưng là nhà văn, sẽ không ai hỏi bạn: Còn làm công việc nào khác để sống không?", nhà văn Hiền Trang chia sẻ.
Nữ nhà văn chia sẻ thêm, khoảng thời gian bình lặng ở Iowa cho bản thân quá nhiều chất liệu. Và khi đó tự nhiên chị nghĩ, dù không ai bắt buộc, nếu mình không viết thì thật có lỗi.
Đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ sáng tác văn học cho các tác giả trẻ, tiến sĩ - nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, trước hết, cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần đề ra các bộ tiêu chí cụ thể về đề tài, thể loại, dung lượng, đối tượng… dựa vào yêu cầu của nền văn học nước nhà và ý kiến của các chuyên gia. Từ đó, có thể nêu ra những yêu cầu cụ thể hơn, thí dụ cần có tác phẩm thể hiện sâu sắc quá trình thay đổi của nông thôn và nông dân trong hội nhập và phát triển; hoặc đề tài 2 cuộc kháng chiến, đề tài thời kỳ đổi mới, hội nhập...
"Văn chương ra đời tự nhiên như vậy. Tôi nghĩ, văn chương không phải là gạch, văn chương là keo gắn kết. Và phải có gạch đã rồi mới xây được văn chương. Phải sống đã, rồi mới viết", nhà văn Hiền Trang bày tỏ.