Lời tòa soạn: Thông tin cơ sở là một lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài viết về công việc của những người làm công tác thông tin cơ sở. 

Bài 1: Phút hoảng hồn của nữ phát thanh viên khi già làng dọa đổ cơm xuống suối

Khi tôi hỏi ông Võ Văn Tèo làm thế nào có thể gắn bó với công tác truyền thanh tới 45 năm như vậy? Ông chỉ cười bảo ở đây xuất phát từ sự đam mê, yêu nghề, trách nhiệm công việc; cùng sự động viên tạo điều kiện của gia đình, sự tin tưởng giao nhiệm vụ của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là sự tin yêu quý mến của nhân dân và bạn nghe đài; nên bản thân tâm huyết với công tác truyền thanh cơ sở đến ngày hôm nay.

vovanteo2
Đến thời điểm hiện tại ông Võ Văn Tèo đã có 45 năm gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở. Ảnh: NVCC

Đi bộ hàng chục cây số để đưa thông tin đến cho người dân

Năm 1979, ông Võ Văn Tèo, được phân công về xã Long Vĩnh (Tiền Giang) làm Phó Ban Văn hoá Thông tin. Công việc của người thanh niên 21 tuổi lúc ấy chủ yếu là truyền thanh lưu động, cụ thể là vác chiếc loa phóng thanh, kèm theo âm ly và bình ắc quy đi khắp các ấp trong xã để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào sản xuất và đưa thông tin về hoạt động của mô hình hợp tác xã nông nghiệp…

Ông Võ Văn Tèo kể, lúc ấy vác theo các thiết bị trên vai, ông đi từ ấp này đến ấp khác để tuyên truyền, ngày đi cả chục cây số và vì yêu cầu công việc nên có khi đi cả tháng mới về. Thời điểm này kinh tế khó khăn nên ông không được trợ cấp gì, những buổi ăn trưa hay tối ông ghé nhà dân xin ăn cơm và ngủ lại để ngày mai tiếp tục công việc.

Đến năm 1986, ông Võ Văn Tèo được bổ nhiệm Trưởng Ban Văn hoá Thông tin, kiêm phụ trách Đài truyền thanh của xã Long Vĩnh.

Lúc này Đài truyền thanh được đầu tư 3-4 chiếc loa treo trên xã, do hệ thống không lớn, truyền âm thanh không xa, nên vẫn chưa phủ được tới ấp. Chính vì thế, khi cần tuyên truyền chủ trương, chính sách hay phong trào gì ông lại gỡ từ 1-2 chiếc loa xuống và tiếp tục đi bộ đến các ấp để thực hiện công tác tuyên truyền.

Vì chưa có điện, nên thời điểm đó hệ thống truyền thanh vẫn dùng bình ắc quy, phát thanh được vài ngày lại hết bình, ông Võ Văn Tèo phải vác trên vai đi bộ lên huyện để sạc, quãng đường vừa đi vừa về lên tới 14 cây số.

vovanteo1
Trải qua nhiều khó khăn, nhưng ông Võ Văn Tèo với sự đam mê, yêu nghề và trách nhiệm vẫn luôn hoàn thành xuất sắc công tác truyền thanh của mình. Ảnh: NVCC

Đến năm 1993, xã Long Vĩnh bắt đầu có điện, lúc này ông dành dụm mua được một chiếc xe đạp để làm phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, xe đạp cũng chỉ phục vụ ông được những ngày nắng, còn ngày mưa với những con đường lầy lội ở nông thôn, người cán bộ ấy lại phải tiếp tục đi bộ để đưa thông tin đến cho người dân. Thời điểm đó, ông được trợ cấp một khoản tiền ít ỏi là 12.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, nhờ có điện kinh tế bắt đầu phát triển, Đài truyền thanh của xã Long Vĩnh bắt đầu được mở rộng bằng hệ thống loa có dây kéo dài được 3 cây số và trang bị lên tới 20 cụm loa, lúc này ông Võ Văn Tèo không còn phải đi cơ sở nữa.

Bên cạnh việc tiếp sóng đài Trung ương, đài tỉnh và huyện, ông Võ Văn Tèo bắt đầu sản xuất các chương trình địa phương để phát thanh phục vụ cho người dân trong xã.

Mỗi ngày ông thức dậy từ 4h30 và có mặt tại đài vào 5h00 sáng để tiến hành phát thanh. Sau khi tiếp sóng các đài Trung ương, đài Tiền Giang, đài huyện, đến 7h00 sáng bắt đầu phát thanh chương trình của xã. Ngay sau đó ông lại tiếp tục chuẩn bị chương trình để phát vào lúc 17h00 chiều đến 19h00 tối cùng ngày mới trở về nhà.

Đến năm 2011 ông Võ Văn Tèo chuyển hẳn sang làm cán bộ truyền thanh cho đến nay.

Chuyên nghiệp hơn với hệ thống truyền thanh thông minh

Năm 2021 xã Long Vĩnh được đầu tư hệ thống truyền thanh không dây gồm 20 cụm loa, 80 loa công cộng được phủ đều khắp các ấp trong xã, tiếp âm 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và chương trình đài xã.

vovanteo
Với hệ thống truyền thanh thông minh, công việc phát thanh của ông Võ Văn Tèo ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Ảnh: NVCC

Với việc trang bị thiết bị mới, ông Võ Văn Tèo cho biết, hệ thống này giúp ông đỡ vất vả hơn, khi có thể cài đặt hẹn giờ phát thanh, nên không còn cảnh đi sớm về tối như trước đây. Tuy nhiên, trước sự đầu tư lớn của tỉnh, đòi hỏi công tác chuyên môn ngày càng đạt chất lượng cao hơn, ông Võ Văn Tèo bắt đầu được đi tập huấn và đã tự xây dựng chương trình thời sự phát thanh phát trên đài cấp xã một cách chuyên nghiệp.

Nội dung chủ yếu để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phản ánh các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tuyên truyền về các dịch vụ thiết yếu cho người dân…

Thời lượng mỗi chương trình từ 20-30 phút, tần suất phát sóng ngày 2 lần; Đài truyền thanh xã hiện nay phát sóng 2 ngày 1 chương trình thời sự địa phương, bình quân 1 tháng có 50-60 tin và 5-10 bài viết.

Đặc biệt Đài truyền thanh xã còn ký hợp tác với các sở, ban ngành liên quan để xây dựng trong tuần 3 chuyên mục tuyên truyền và phổ biến kiến thức về pháp luật, y tế và cải cách hành chính.

Ông Võ Văn Tèo cho biết, niềm vui mỗi ngày của ông đó chính là được nhân dân lắng nghe và yêu mến chương trình phát thanh của mình. Hiện xã Long Vĩnh có khoảng hơn 2.000 hộ với khoảng hơn 8.000 dân và họ vẫn chờ lắng nghe các tin tức của ông phát thanh hằng ngày.

Mặc dù đã qua tuổi nghỉ hưu, nhưng với sự đóng góp và đam mê với nghề, ông Võ Văn Tèo tiếp tục được xã Long Vĩnh giữ lại để phụ trách đài truyền thanh của xã. Ông cho biết, vẫn sẽ gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở khi thấy sức khoẻ vẫn còn đảm bảo.

Đồng thời ông cũng mong muốn cấp trên và lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn kinh phí dồi dào để Đài truyền thanh xã hoạt động tốt hơn; sửa chữa, thay mới phương tiện truyền thanh khi cần thiết, chi bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên… Lãnh đạo tạo mọi điều kiện hợp tác cùng các ngành, đoàn thể và người dân, để đài truyền thanh cơ sở tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Với 45 năm gắn bó với công tác truyền thanh, ông Võ Văn Tèo đã được tặng 1 Huy chương vì sự nghiệp phát thanh Việt Nam năm 1998, 1 Huy chương vì sự nghiệp văn hoá quần chúng năm 2000, 2 bằng khen của Đài tiếng nói Việt Nam năm 2000 và năm 2003.

Ông cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện và xã về những thành tích trong công tác truyền thanh của mình.

Bài 3: Ứng dụng công nghệ giúp công tác thông tin cơ sở Bình Phước vươn xa