Người đàn ông 32 tuổi nhập viện vì chấn thương sọ não nặng sau vụ tai nạn lúc nửa đêm, gia đình đồng ý hiến tạng. Từ đó, bốn cuộc đời khác được hồi sinh.
Cú ngã khi đang đi xe máy lúc nửa đêm ngày 5/3 khiến anh Đ.M.K (32 tuổi, Bắc Giang) chấn thương sọ não nặng. Anh lập tức được đưa vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Lúc này, người đàn ông đã hôn mê sâu.
Sau 3 lần kiểm tra, chiều 7/3, các bác sĩ chính thức chẩn đoán anh chết não. Đại diện đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng của bệnh viện đã tiếp cận anh trai, vợ và gia đình bệnh nhân. Thật may mắn, họ đồng ý.
Người chết não hiến nhiều mô, tạng nhất
14h30, sau phút mặc niệm tri ân người chết não hiến tạng, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức bắt đầu lấy mô, tạng. Tim, gan, 2 thận của người đàn ông trẻ tuổi quê Bắc Giang được lấy để ghép cho 4 người khác đang mỏi mòn chờ. Người trẻ nhất trong số các bệnh nhân được ghép năm nay 33 tuổi, bị nang đường mật. Sức khỏe những người được nhận tạng đã ổn định sức khỏe, chờ ngày ra viện.
Ngoài ra, 4 mạch máu, 2 dẻ sườn, 14 gân và 4 dây thần kinh của anh K. cũng được đưa vào ngân hàng mô lưu trữ. Anh là người hiến nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Việt Đức. Đây cũng là người chết não thứ 100 hiến tạng được lấy mô, tạng thành công ở cơ sở y tế này.
Từ 100 người này, các bác sĩ đã thực hiện 50 ca ghép tim, 80 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi. Nhiều mô khác như màng tim, giác mạc, gân, mạch máu… đã được lưu trữ ở Ngân hàng Mô của bệnh viện.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, xúc động gửi lời tri ân đặc biệt tới những người hiến tạng và gia đình của họ. “Đó là những nghĩa cử cao đẹp cần được lan tỏa. Bởi danh sách các bệnh nhân có nhu cầu được ghép rất lớn trong khi số người cho ít", ông Giang chia sẻ.
13 năm, cả nước chỉ có 150 người chết não hiến tạng
Theo GS Giang, ngoài Bệnh viện Việt Đức, cả nước chỉ có khoảng 50 người chết não hiến tạng, từ năm 2010 đến nay. Số liệu “tương đối ít” so với số người chết não (do tai nạn giao thông, đột quỵ...) hàng ngày xảy ra. Thực tế, nhiều người chờ mỏi mòn tạng hiến nhưng không được nên qua đời.
Bệnh viện Việt Đức hiện là cơ sở y tế đứng đầu các trung tâm lớn trên cả nước về việc lấy, ghép mô, tạng từ người cho chết não, chiếm 70% tổng số ca trên cả nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Việt Đức, tổng số ca đưa vào danh sách chết não gấp 2-3 lần con số này nhưng không phải bệnh nhân nào cũng thực hiện lấy và ghép thành công.
"Việc lấy tạng luôn thực hiện trong tình trạng cấp cứu, bất kể giờ giấc, lễ Tết. Mỗi cuộc mổ huy động tới 100 người tham gia. Tuy nhiên, không ít trường hợp người nhận tạng đã lên bàn mổ nhưng người nhà bệnh nhân chết não lại không đồng ý, chúng tôi phải dừng lại”, ông Nghĩa chia sẻ.
Tới nay, Việt Nam có khoảng 170.000 người đăng ký hiến mô tạng, so với dân số 100 triệu người. Trong số này, chưa có trường hợp nào lấy mô, tạng sau khi qua đời tại Bệnh viện Việt Đức.
PGS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết thêm ghép tạng là kỹ thuật cao cấp, đòi hỏi trang thiết bị, thuốc men tốn kém, bảo hiểm y tế chỉ chi trả một phần. Ca đầu tiên ghép tạng được thực hiện cho một người dân tộc, nhiều người chế độ chính sách.
"Nhưng chúng tôi đã tính toán, chi phí cho một người suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo tiết kiệm hơn nhiều so với một lần ghép thận", ông Nghĩa cho hay.
Các bác sĩ cũng thông tin chi phí một ca ghép tim ở Việt Nam chỉ bằng 1/24 tại Mỹ và 1/8 ở Thái Lan.
Vì sao trên máy bệnh nhân còn nhịp thở, tim còn đập nhưng lại chẩn đoán chết não?
Theo GS Trần Bình Giang, hiện không ít người dân chưa hiểu đầy đủ về khái niệm chết não. Việc chẩn đoán chết não được quy định chặt chẽ trong luật, đồng thời mang đặc trưng lớn của đạo đức y học. Việc xác định một người chết não được thực hiện bởi một hội đồng các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, dựa trên các bằng chứng khoa học.
100% người đã chết não là não không thể hồi phục, máu không lên não. Tim vẫn còn đập là nhờ kéo dài các máy móc, phương tiện hồi sức. Nếu ngừng thuốc, tim, phổi và thận… sẽ ngừng hoạt động.