Phim “Em và Trịnh” cũng đón nhận một lượng lớn khán giả lớn tuổi, những người sống cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hoặc chỉ sau một chút. Cũng có những khán giả trẻ cho biết đi xem nhiều hơn một lần, ban đầu là đi một mình hoặc với các bạn đồng trang lứa, lần sau đi cùng với cha mẹ, người lớn trong nhà. 

Một trong những bình luận đáng chú ý về phim “Em và Trịnh” là một “khán giả thế hệ trước” - NSND Bạch Tuyết. Bà còn là hàng xóm của ông, đón ông “gầy độ” ở sân nhà cùng chồng và các con. NSND Bạch Tuyết xúc động chia sẻ trên trang cá nhân: “Bộ phim đã tự họa một chân dung Sơn thật đẹp, cảm xúc và tinh tươm. Âm nhạc, dĩ nhiên là linh hồn của phim, là vẽ nên hình hài của một Trịnh Công Sơn trong trẻo, thánh thiện, mẫn cảm”.  

Bối cảnh trong phim tập trung vào thập niên 60 lúc nhạc sĩ còn là chàng thanh niên lãng mạn và thập niên 90 khi ông đang ở độ xế chiều. Bối cảnh hoài cổ cũng đem lại nhiều khoảnh khắc bồi hồi cho những người đã từng trực tiếp trải qua giai đoạn ấy. 

NSƯT Kim Xuân chia sẻ về một phân cảnh trong phim: “Có một đoạn đang chuẩn bị hát của anh Sơn tại liên hoan văn nghệ quần chúng thì cúp điện và ảnh quyết định hát “chay” rồi khán giả đã lấy đèn pin chiếu lên sân khấu, ai lớn lớn tuổi cũng biết thời ấy hay cúp điện và thủ cây đèn pin thì nhà nào cũng có. Trời ơi, trái tim tôi đập rất nhanh đoạn này”. 

Một số chi tiết trong phim cũng tạo nên làn sóng bàn luận sôi nổi về sự khác biệt trong hành động giữa thế hệ 6x và thế hệ gen Z. Điển hình như chi tiết chàng thanh niên Trịnh Công Sơn ngơ ngẩn theo chân Bích Diễm về tận nhà, nhiều bạn trẻ cho rằng hành động như vậy có chút bất lịch sự, nhưng trong kí ức của thế hệ trước khi sống ở thời mà điện thoại di động, Internet hay mạng xã hội chưa xuất hiện thì hành động “trồng cây si” trước cổng hoặc theo về tận nhà để làm quen là một việc thường thấy, và vì vậy nó trở thành một kỉ niệm đẹp về tuổi thanh xuân. 

“Em và Trịnh” đã chứng kiến những gia đình cùng nhau đến rạp, hay một cặp đôi U70 vận đồ vest và áo dài thật lịch sự để đi xem phim và nhớ về một thời đã xa, hay một cô giáo “bao rạp” dẫn học trò đi xem để các cô cậu tuổi đôi mươi của thế kỉ 21 có dịp tìm hiểu về tuổi đôi mươi của một thế hệ oanh liệt của thế kỉ trước. Vì vậy, dường như “Em và Trịnh” đã trở thành một cầu nối thật đẹp nối khoảng cách giữa các thế hệ, nhất là khi bước sang thiên niên kỉ mới, tốc độ phát triển của thời cuộc đang càng kéo chúng ta ra xa nhau hơn. 

Doãn Phong