Bà đứng trước cửa nhà dõi mắt nhìn người đàn ông đang ngồi gỡ từng mảnh nhôm. Anh thấp người, cởi trần, tóc bạc. Nhìn cơ thể anh rất khỏe mạnh, chỉ có gương mặt đờ đẫn và giọng nói ngây ngô. Bà nói với chúng tôi, 'nó là con tôi đó, bị thiểu năng từ lúc lọt lòng...'.

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Bà đã già, đi đứng không còn vững. Tóc bà phất phơ phủ xuống gương mặt nhiều nếp nhăn. Chiếc quần bà mặc ống cao ống thấp. Bà đứng cạnh chiếc xe đẩy có khá nhiều bao phế liệu...

Mời chúng tôi vào nhà. Bà mò mẫm để ngồi lên chiếc võng. Căn nhà quá hẹp, chỉ chừng hơn 10m2 đầy ắp đồ đạc ngổn ngang. Bà tên Nguyễn Thị Chít, 76 tuổi (ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, H. Hóc Môn, TP. HCM).

{keywords}
 Bà Chít thẫn thờ nhìn đứa con khờ. Phía sau là di ảnh chồng con.

Bà Chít sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng ven Sài Gòn. Thuở nhỏ sống với mẹ cha không được học hành, 8 tuổi, bà theo mẹ đi khắp các nẻo đường trong thành phố lượm từng mảnh phế liệu rồi dồn lại bán kiếm tiền mưu sinh. Tuổi thơ của bà đầy bất hạnh.

Cuộc sống lam lũ đã giúp bà lớn dần lên theo năm tháng. Công việc cũng theo tuổi tác trở nên nặng nề hơn. Mẹ bà già và yếu dần. Bà trở thành nguồn sống chính của cả gia đình.

Cứ thế, từ tờ mờ sáng, hai mẹ con bà đã ra khỏi nhà. Đến trưa, 2 người tìm bóng mát rồi lấy từ trong giỏ gói cơm mang theo. Bữa ăn vội vã để còn tiếp tục công việc cho đến chiều. Lúc về, hai mẹ con sẽ ghé điểm thu mua phế liệu, cân những gì tìm được và cầm về món tiền còm cõi để sống qua ngày.

Cha bà mất chưa được bao lâu, mẹ bà đi theo. Bà trở thành gái mồ côi một mình bươn chải giữa dòng đời. Thân gái dặm trường, bà vẫn tiếp tục công việc lượm ve chai để nuôi sống bản thân.

Cho đến năm 19 tuổi, một ngày nọ, trong lúc bới móc tìm kiếm phế liệu, một anh thanh niên đẩy chiếc xe hàng rong đến cạnh bà. Anh mở hộc lấy ra nào đồ thủy tinh, đồ nhựa đã cũ, đã hỏng đưa cho bà và nói, 'anh để dành cho em đó'. Bà đón nhận rồi từ đó 2 người quen nhau.

Công việc khác nhau nên trưa nào cũng thế, dưới một gốc cây to, họ cùng nhau chia sẻ từng miếng ăn, thức uống. Xong rồi ai về công việc nấy. Cứ vậy kéo dài được 6 tháng, trưa hôm ấy người thanh niên bán hàng rong nói với bà: 'Tụi mình quen nhau cũng lâu, mình cưới nhau em nhé'.

Bà sững người. Không ngờ hạnh phúc đến nhanh như vậy sao. Bà không trả lời chỉ nhìn anh e thẹn gật đầu.

Một đám cưới đơn sơ giản dị đã diễn ra. Bà không còn người thân trong khi bên chồng cũng chỉ một vài người đến dự. Bạn bè cùng lượm ve chai, cùng bán hàng rong đến chúc phúc 2 người. Bà vui lắm. Mái ấm đã hình thành, từ nay bà sẽ cố vun đắp cho tình yêu, cho hạnh phúc, cho tương lai của 2 vợ chồng.

Sau đám cưới, chồng bà đưa bà về quê ở Cần Giuộc (Long An) sinh sống. Hàng ngày, bà ở nhà lo việc nhà còn ông tiếp tục bán hàng rong...

Một kiếp người long đong

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ êm đềm trôi qua. Nhưng ở nhà riết cũng buồn, bà lại xách bao đi tìm phế liệu.

Phế liệu ở đây tuy không nhiều bằng ở thành phố nhưng công việc giúp bà vui hơn lại có thêm đồng ra đồng vào.

3 năm sau đứa con trai ra đời khỏe mạnh và đẹp đẽ. 'Niềm vui của gia đình nhân đôi. Có thể nói giai đoạn này gia đình tôi hạnh phúc nhất mà tôi không thể nào quên được', bà nói với chúng tôi, mắt lấp lánh niềm vui.

'Nhưng vui cũng không lâu', bà kể tiếp. 'Cách một năm sau, đứa con thứ 2 chào đời. Lần này thì buồn thật. Thằng con sinh ra không bình thường như bao đứa trẻ khác, nó bị thiểu năng. Bao nhiêu tiền của dành dụm đổ vào nó nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì. Ông nhà tôi buồn lắm, sa vào rượu chè.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Lập 54 tuổi, người con thiểu năng của bà Chít giúp bà cạy lấy nhôm.

Những cuộc vui suốt sáng đã làm cho sức khỏe ông suy kiệt. Đến một ngày nọ, ông về nhà trong trạng thái say khướt rồi đổ người xuống giường nằm ngủ. Giấc ngủ của ông không bao giờ thức nữa và tôi lâm vào tình trạng mẹ góa con côi'.

Một mình mang 2 con dại trong đó có một đứa khờ khạo, bà đưa chúng về  Sài Gòn, thuê nhà ở ngã tư An Sương và tiếp tục lượm ve chai sinh sống. Lần này lại tái diễn cảnh mẹ con cùng làm, thằng lớn lẽo đẽo đi theo mẹ.

'Hai mẹ con tôi lượm ve chai nuôi đứa con khờ khạo trong nhiều năm. Cứ ngỡ rằng, thôi thì cuộc sống như vậy cũng được rồi. Thằng con lớn lên sẽ giúp tôi nhiều hơn để nuôi em nó. Có ngờ đâu, năm nó 17 tuổi, trong một lần tìm kiếm phế liệu, nó lượm được một trái lựu đạn. Nó ra bãi đất trống đập, bất ngờ lựu đạn nổ. Nó chết tại chỗ.

Sau cái chết của đứa con, tôi điếng cả người'. Kể đến đây, bà Chít đượm buồn. Ánh mắt bà nhìn ra xa nơi đứa con khờ đang giúp bà một vài việc vặt. Bà nói, 'lúc anh nó chết, nó mới 15 tuổi. Một mình tôi nuôi nó đến giờ'.

{keywords}
Mẹ con đỡ đần nhau.

Bà bây giờ không còn khỏe. Lưng bà đã còng. Bà không còn nấu cơm được. Đứa con khờ của bà phải làm thay nên bữa chín bữa sống. Vậy mà hàng ngày bà vẫn đi lượm ve chai. Cũng may, căn nhà bà thuê với giá 1tr/tháng từ mấy năm nay đã được chủ nhà miễn cho. Bà cho biết, mỗi ngày bà có thể kiếm được từ 40 - 50 ngàn đồng. Với số tiền đó liệu bà sẽ sống ra sao?

Chúng tôi từ giã bà ra về trong tâm trạng xót xa. Cũng một con người, sao số phận của bà lại quá hẩm hiu đến thế?

Người mẹ Sài Gòn cắt đất bán dần, một đời gồng gánh 6 con nuôi

Người mẹ Sài Gòn cắt đất bán dần, một đời gồng gánh 6 con nuôi

Chị cầm nải chuối lên rồi bỏ xuống. Rồi một nải khác được chọn. Chị nói thật lớn, "con lấy nải này bà nhé". Nét mặt bà thật vui. Bà nở nụ cười một tay trao cho khách chiếc bao nhựa, một tay đón lấy tiền khách trả...

Trần Chánh Nghĩa