Trong vụ án địa ốc Alibaba gây chú ý của dư luận có 23 bị cáo thì có 20 bị cáo bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Võ Thị Thanh Mai cùng Nguyễn Thái Lực (23 tuổi, quê Gia Lai, là em út của Nguyễn Thái Luyện) cùng lúc bị truy tố hai tội là “Lừa đảo…” và “Rửa tiền”.
Một bị can khác là Huỳnh Thị Kim Thắng (27 tuổi, quê Quảng Ngãi, là Kế toán trưởng của Công ty CP Địa ốc Alibaba) cũng bị truy tố tội “Rửa tiền”.
Người đàn bà đứng sau Nguyễn Thái Luyện
Bà Mai hiện có 3 con chung với CEO Nguyễn Thái Luyện. Trình độ 12/12 nhưng bà Mai đứng tên giám đốc một công ty trực thuộc - là Công ty Alibaba Law Firm và Giám đốc tài chính của Địa ốc Alibaba, nên thực tế vai trò của bà rất quan trọng, là “tay hòm chìa khoá”, nắm giữ toàn bộ nguồn tiền, đất đai liên quan đến địa ốc Alibaba.
Cơ quan điều tra chỉ rằng, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty CP địa ốc Alibaba, giao cho những người thân, nhân viên thân tín… đứng tên đại diện pháp luật. Mục đích của các công ty này là tạo ra các thủ tục lòng vòng nhằm che giấu nguồn gốc đất cũng như các giao dịch ảo để khách hàng lầm tưởng là dự án thật mà góp vốn, đầu tư rồi… sập bẫy.
Đáng nói, hồ sơ đăng ký kinh doanh, con dấu pháp nhân của tất cả các công ty đều do bà Mai quản lý và chỉ giao cho Trang Chí Linh (21 tuổi, quê An Giang, là Phó TGĐ Pháp lý của địa ốc Alibaba) mỗi khi sử dụng.
Ngoài ra, các mảnh đất nông nghiệp có diện tích đặc biệt lớn, Luyện chỉ đạo những người khác mua, sau khi hoàn tất nhận chuyển nhượng, sang tên từ chủ đất thì toàn bộ bản chính giấy tờ đều do bà Mai trực tiếp quản lý. Mỗi khi cần sử dụng đến, bà Mai cũng chỉ giao cho Trang Chí Linh để giới thiệu cho khách hàng tin là Alibaba có nguồn gốc đất hợp pháp, đúng mục đích sử dụng theo nội dung quảng cáo, mà từ đó khách hàng ký kết hợp đồng thoả thuận, chuyển nhượng.
Trong 22 công ty trực thuộc, bà Mai chỉ đứng tên giám đốc công ty, là Alibaba Law Firm, được thành lập tháng 7/2017. Thế nhưng Cơ quan điều tra chỉ ra rằng, Công ty Alibaba Law Firm của bà Mai là chủ đầu tư 28 trong tổng số 58 dự án ma ở các tỉnh thành, mà Alibaba dùng để “lừa” khách hàng.
Qua điều tra xác định, có 1.191 khách hàng bị lừa tổng cộng hơn 463 tỷ đồng khi đầu tư vào các dự án “ma” của Alibaba Law Firm do bà Mai làm giám đốc.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ, theo phân công của CEO Nguyễn Thái Luyện, bà Mai là giám đốc Tài chính, quản lý toàn bộ nguồn tiền của “tập đoàn Alibaba”, đều là tiền chiếm đoạt của khách hàng. Bà Mai quản lý bộ phận kế toán, giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi.
Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện, bà Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền. Nguồn tiền thu của Công ty Alibaba được chi chủ yếu cho việc trả lương và hoa hồng cho nhân viên, mua đất, trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh, trả lãi định kỳ cho khách hàng mà thực chất là phương thức để lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư…
Phi vụ “rửa tiền” đã được thực hiện như thế nào?
Cơ quan điều tra làm rõ, em út của Luyện - là Nguyễn Thái Lực có 4 tài khoản ngân hàng; trong đó có một tài khoản thương gia mở ngày 19/4/2018 tại Ngân hàng ACB - Chi nhánh Bình Triệu. Đây là tài khoản mà Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện) thường xuyên chuyển tiền vào rồi yêu cầu Lực rút tiền mặt đưa cho Mai.
Ngày 21/11/2018 Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (33 tuổi, quê Gia Lai, là người em kế của Luyện) nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản ACB của Nguyễn Thái Lực. Nguồn gốc 50 tỷ đồng này cũng được làm rõ là tiền mà Địa ốc Alibaba đã lừa được của khách hàng.
Sau đó, Mai lại chỉ đạo Lực rút ra 31 tỷ đồng, mở số tiết kiệm cũng tại ACB cho nhân viên kế toán Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên. Theo bà Mai sắp xếp thì Thắng đã uỷ quyền sử dụng sổ tiết kiệm trên cho Lực.
Tuy nhiên, sau đó bà Mai lại chỉ đạo Thắng rút 18 tỷ đồng ở sổ tiết kiệm (còn 13 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm) để mua hai căn nhà ở phường Tân Tiến, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, đều do nguyễn Thái Lực đứng tên.
Đáng nói, ngày 18/9/2019 Cơ quan CSĐT Bộ Công an cùng Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn, đồng thời khám xét trụ sở công ty tại đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức thì bà Mai và Thắng có chứng kiến.
Được biết, két sắt của Alibaba có hai chìa khoá thì chia nhau bà Mai và Lực nắm giữ. Khi đó, bà Mai có gọi điện thoại cho Lực mang chìa khoá đến để phục vụ công tác nghiệp vụ của công an...
Ngày 19/9 bà Mai cùng Lực, Thắng xử lý tiền đang gửi tiết kiệm như nói trên mà cả ba biết rõ là tiền có nguồn gốc bất hợp pháp. Cụ thể, bà Mai chỉ đạo Thắng xử lý toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm, cả gốc lẫn lãi là 13,9 tỷ đồng để chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Mai mở tại Ngân hàng ACB.
Ngay trong ngày, bà Mai chuyển hết 13,9 tỷ đồn đó vào tài khoản ngân hàng ACB của Lực rồi kêu Lực rút tiền mặt ra đưa lại cho Mai. Ngày 20/9 Lực đã giao toàn bộ số tiền cho bà Mai tại trụ sở Công ty Alibaba và bà này sử dụng vào mục đích cá nhân, tiền vay nợ bên ngoài mà đến nay cơ quan điều tra chưa thu hồi được.
Khi bị khởi tố, cả ba người đều thừa nhận chi tiết phi vụ “rửa tiền” như nói trên., Ngoài ra, Huỳnh thị Kim Thắng còn khai nhận thêm có đứng tên giúp bà Mai một sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietcombank và Cơ quan điều tra đã thu hồi.
Trong vụ án, bà Mai bị cáo buộc là giúp sức tích cực cho chồng, là Nguyễn Thái Luyện lừa đảo hàng ngàn người và đồng thời vai trò chủ mưu trong phi vụ rửa tiền. Quá trình điều tra, bà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Nguyễn Thái Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng bị cáo buộc là giúp sức cho bà Mai trong vụ rửa tiền. Cả hai cũng khai báo thành khẩn.
Ngoài ra, bị cáo Lực còn bị cáo buộc giúp sức cho anh trai Nguyễn Thái Luyện khi là trợ lý của CEO này và đồng thời Lực cũng là người đứng tên ở nhiều mảnh đất nông nghiệp được hô biến thành dự án ma để đảo hàng ngàn người.