Nguồn nước bị ô nhiễm
Chiều nay (1/10), trao đổi với VietNamNet, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, khu vực các xã thượng nguồn, nước lũ cơ bản đã rút ra khỏi nhà dân. Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đang được triển khai gấp rút.
Tại xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương), nơi chỉ cách đây 2 ngày, mực nước sông Giăng dâng cao tới gần 5m, nước ngập tận mái nhà. Nước dâng nhanh đã cô lập 607 ngôi nhà; gia súc cùng nhiều diện tích hoa màu mất trắng.
Con ngõ nhỏ dẫn vào xóm 7 (xã Hạnh Lâm) nước rút để lại bùn đất, ruồi nhặng bay khắp, chuồng lợn, trâu bò của người dân ngổn ngang vẫn chưa thể dọn sạch.
Ông Phượng, 65 tuổi nhà ở xóm 7 lo lắng: “Sáng nay nước rút, gia đình đã phải nhờ con cháu dọn dẹp nhà cửa. Mất điện, máy bơm nước giếng không hoạt động, đành phải hứng nước mưa để sử dụng”.
Xóm trưởng xóm 7 Trần Duy Tuấn (SN 1970) chia sẻ, trận lũ vừa qua nước dâng cao, hầu hết các giếng khoan, bể chứa nước mưa trong làng đều bị bị nhiễm phèn, ngả màu vàng, ô nhiễm không thể sử dụng để sinh hoạt.
Để có nước sinh hoạt, bà con phải đi một đoạn đường xa đến nhà của một người dân khác trong làng có giếng không bị lũ ngập gánh nước về.
“Tới đây, chính quyền địa phương sẽ tổ chức lực lượng xuống các xóm để cùng người dân dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh. Trong sáng 1/10, xã đã bố trí máy phát điện bơm nước cho bà con”, ông Đặng Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm chia sẻ.
Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 12h ngày 30/9, mưa lũ đã làm cho 400 con gia súc cùng 65.716 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Tình trạng ngập nặng, gia súc, gia cầm chết trôi nổi và thiếu nước sinh hoạt để sử dụng diễn ra tại tất cả các vùng ngập nước. Đây đang là nguồn dịch có khả năng gây ô nhiễm và dịch bệnh rất cao.
Sợ lũ tiếp tục tục đổ về
Trong 3 năm qua, đây đã lần thứ hai bà con huyện Thanh Chương phải chứng kiến trận lũ kinh hoàng. Năm 2020, nước lũ dâng nhanh trong đêm cũng đã khiến bà con không kịp trở tay.
Nhà ngay cạnh sông Giăng, để đảm bảo an toàn, chủ động ứng phó khi lũ về, anh Thái Doãn Liễu (SN 1979, trú xã Hạnh Lâm, Thanh Chương) di dời tài sản lên gác lửng, dùng thùng phi nhựa kết lại với nhau làm bè bỏ lúa trên đó.
“Nhà gần sông suối nên sớm bị ngập và ngập sâu nhất. Đêm 29/9, nước lên, vợ con đi sơ tán còn mình ở lại trên gác. Lũ lên rất nhanh, quá lo lắng mình phải gọi điện cầu cứu lực lượng chức năng, đồng thời tháo ngói để báo hiệu vị trí”, anh Liễu nhớ lại.
Đêm đó, người dân cùng lực lượng chức năng đã thức trắng đêm để trực lũ, sơ tán người, di dời tài sản. Xóm làng nơi đâu cũng nghe tiếng trống, tiếng gọi nhau í ới chạy lũ.
Anh Liễu cũng như nhiều hộ dân khác vẫn rất lo lắng, đồ đạc trong nhà không dám mang xuống hết vì sợ mùa lũ vẫn chưa qua. Nhà nào cũng chỉ dám lấy xuống những vật dụng cần thiết, còn lại tất cả đều được để trên gác lửng.
Theo người dân, đợt lũ lần này lên nhanh nhưng nước rút chậm, phải mất vài ngày nữa bà con mới cơ bản khắc phục xong hậu qủa, ổn định cuộc sống.
>>Xem tin nóng: Chính sách tiền lương mới của công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 10
Trần Tuyên