Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas), Sở Công Thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức chiều 14/6 vừa qua. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”.

Nguyenvandung
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Quang Định

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, Ngày không tiền mặt đã góp phần thúc đẩy Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt tại TP.HCM.

Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, lãnh đạo thành phố xác định, giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành; Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.

Đến thời điểm hiện tại, 100% bệnh viện công của TP.HCM đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại, khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.

Trong khi đó, thanh toán không tiền mặt là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện chủ đề 2024 của TP.HCM: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội".

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng cũng nêu một số biện pháp được thành phố áp dụng, để vừa đảm bảo tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân.

Cụ thể, TP.HCM sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng của thế giới. Cùng với đó là quy định trách nhiệm các bên liên quan trong giao dịch không tiền mặt.

Thành phố cũng sẽ tiến hành đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn. Phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hoá dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, đưa yêu cầu giao dịch, thanh toán không tiền mặt là một nhóm giải pháp bắt buộc trong các sự kiện, lễ hội. Trong đó, đưa thanh toán không tiền mặt thành tiêu chí để triển khai Đề án Phát triển kinh tế ban đêm.

Cuối cùng, TP.HCM sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Các sở, ban, ngành thành phố, phối hợp với báo, đài, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giao dịch không tiền mặt cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và an toàn của giao dịch không tiền mặt; Hướng dẫn người dân cách sử dụng các dịch vụ giao dịch không tiền mặt một cách an toàn, phòng ngừa các rủi ro mất an toàn trong giao dịch. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành để hình thành hệ sinh thái số, phục vụ thanh toán thông minh trên địa bàn thành phố.