Đây là khuyến cáo từ các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra với người dân các tỉnh, thành Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi khi bão Noru (cơn bão số 4) đổ bộ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia chiều nay (26/9) đã có những nhận định tiếp theo về diễn biến cơn bão Noru (cơn bão số 4).
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Noru có cường độ mạnh, cường độ bão thời điểm trước khi đổ bộ vào khu vực đảo Luzon (Philippines) đạt mức cấp 15, giật cấp 17. Sau đó khi đi vào biển Đông, sáng nay cường độ đã yếu đi còn mức cấp 12, giật 14.
Thống kê đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020).
Tốc độ di chuyển của bão số 4 là khá nhanh, trung bình khoảng 20-25km/h, với tốc độ di chuyển nhanh như vậy nên ngay khi bão vừa vào Biển Đông Tổng cục khí tượng thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm dự báo quyết định phát tin bão khẩn cấp.
Dự báo trong 24, 24-48h và cả sau đoạn 48h bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, cường độ đạt mạnh nhất khi ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, cường độ ở mức cấp 14, giật cấp 16. Ông Hưởng nhận định khoảng sáng đến trưa ngày 28 bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó đi xuyên qua Tây Nguyên, sang Lào rồi sang Thái Lan và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Trên biển, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội.
Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông.
Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ (từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, nam đồng bằng Bắc Bộ).
3 kịch bản khả năng xảy ra lũ
Kịch bản mưa lớn trên 300mm: Các sông ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Các sông ở Thừa Thiên - Huế ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Kịch bản mưa lớn trên 400mm: Đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Riêng sông Hương tại Huế lên mức BĐ2 và trên BĐ2. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.
Với kịch bản mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phân tích, vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão số 4 từ các tỉnh, thành Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; tuy nhiên do bán kính hoàn lưu của bão khá rộng nên các tỉnh Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai cũng cần lưu ý.
Theo dự báo hiện tại, khoảng từ đêm mai đến sáng ngày 28/9, ông Khiêm lưu ý người dân tránh tổ chức các hoạt động ngoài trời, tìm nơi tránh trú an toàn do lúc này bão có khả năng tác động gây nguy hiểm nhất.
Trong 3 tiếng qua, cấu trúc cơn bão này đã ổn định hơn, với xu hướng mạnh hơn so với sáng sớm nay (khi càn quét qua Philippines). Các mô hình, dự báo quốc tế 80-90% đều đưa ra nhận định rất mạnh, khi tác động đến đất liền có thể đạt cấp 12.
"Đĩa mây của cơn bão phát triển về phía tây, lúc này (15h) cách đất liền khoảng hơn 1.000km nhưng vành mây của bão đã gây mưa cho các tỉnh Trung Bộ. Từ chiều tối mai ven biển đất liền sẽ cảm nhận gió bão...
Từ 14h chiều nay, chúng tôi lưu ý thêm các tỉnh, thành Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ chịu ảnh hưởng ở cấp độ rủi ro rất lớn thiên tai cấp 4", ông Khiêm cho biết.
Cơn bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa rất lớn, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum lượng mưa được sự báo 250-350mm tập trung trong ngày 27-28/9. "Với lượng mưa hai ngày mà lên đến vài trăm mm thì nguy cơ lũ quét, sạt lở đất sẽ rất cao. Ngay từ bản tin dự báo phát bão đầu tiên và chúng tôi đã báo cáo BCĐ quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ đạo các đội xung kích ở các địa phương rà soát điểm xung yếu, đưa ra khuyến cáo cho bà con", ông Khiêm nhấn mạnh.
Thượng tá Đỗ Duy Phương - đại diện Văn phòng Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh đã chủ động làm việc với các địa phương sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện ứng phó với bão số 4.