Người đàn ông 34 tuổi đến từ tỉnh Quý Châu tại sự kiện mai mối ở công viên thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã tạo ra cuộc tranh cãi lớn về sự bất bình đẳng giới ở quốc gia này.
Những tiêu chí về vợ tương lai được anh viết cẩn thận, rõ ràng trên một tờ giấy và ép plastic. Anh mong muốn đó là người hiền lành, đức hạnh, "giỏi việc nước đảm việc nhà".
Vợ tương lai phải có mức lương 1.700 USD/tháng (khoảng 40 triệu đồng), đồng thời phải có ô tô, có nhà riêng, không vay ngân hàng, theo SCMP.
Anh cho biết mình kiếm được hơn 861 USD/tháng, không có nhà, không có xe, nhưng "chắc chắn là một món hời" giống như "cổ phiếu tiềm năng có giá trị" vì anh không hút thuốc, không uống rượu và sẵn sàng ở rể, chăm sóc bố mẹ vợ.
Ngay tại sự kiện mai mối, một số phụ nữ trung niên tỏ ra tức giận, chất vấn anh ta về những yêu cầu tìm vợ "kỳ quặc".
"Một người phụ nữ đáp ứng yêu cầu của bạn, chắc chắn sẽ cưới người chồng có mức lương hơn 2.872 USD/tháng, có xe hơi và nhà riêng", một người nói.
"Tại sao tôi phải tìm vợ nếu tôi có tất cả những thứ đó? Tôi sẽ không cần kết hôn với bất cứ ai nếu tự tôi làm được như vậy", người đàn ông đáp lại.
Tuy nhiên, sự thật sau đó được tiết lộ. Người đàn ông này thực chất không tìm kiếm ý trung nhân. Tất cả chỉ là một màn kịch do anh dựng lên.
Anh từng tham gia nhiều sự kiện mai mối trên khắp cả nước. Anh cũng hẹn hò với nhiều phụ nữ khác nhau trong nhiều năm để tìm kiếm một người vợ dường như nằm ngoài tầm với của mình.
Tất cả quá trình được người đàn ông ghi lại và đăng trên tài khoản mạng xã hội có tên "Những câu chuyện mai mối của Li Lei".
Các video của anh cho thấy sự khác biệt giữa hai giới tính và tranh cãi về giá trị hôn nhân. Anh có gần 1 triệu người theo dõi trên Douyin.
Anh cho biết công việc chính của mình là quản lý bán hàng cấp cao ở Quý Châu, với mức lương khoảng 4.300 USD/tháng. Bên cạnh đó, anh còn nguồn thu nhập từ các video trên mạng xã hội.
Người đàn ông cũng khẳng định không bao giờ đòi hỏi vợ tương lai phải đáp ứng những điều kiện đã nêu trong video. Mục đích của anh chỉ để "phụ nữ đặt mình vào vị trí của đàn ông" khi nói đến chuyện hôn nhân.
Các sự kiện mai mối nở rộ khắp nơi ở đất nước tỷ dân trong thời gian gần đây. Hiện tượng này gia tăng trong bối cảnh tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm mạnh.
Theo thống kê, năm 2022, số người kết hôn lần đầu đạt mức thấp kỷ lục, chỉ 11,6 triệu. Con số này giảm hơn một nửa so với mức cao nhất 23,9 triệu năm 2013.
Nhiều người cho rằng sính lễ, chi phí tổ chức đám cưới, chi phí sinh hoạt gia đình ngày càng tăng, cùng với đó là những thay đổi về luật pháp, chính sách như “30 ngày hòa giải” khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn... là những nguyên nhân gây nên tình trạng này.