Buổi tối trước ngày hiến máu, ông Trần Quốc Chánh (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) đi ngủ sớm. Ông cũng từ chối bữa nhậu của những người bạn để giữ cho mình sức khỏe tốt nhất. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, ăn sáng và rời nhà với chiếc xe máy quen thuộc.

Ông Chánh đến điểm hiến máu do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chi nhánh Cần Thơ tổ chức, để cho đi những giọt máu của mình.

Đó là một trong hơn 60 lần, người đàn ông năm nay bước sang tuổi 58 thực hiện việc hiến máu cho cộng đồng.

16 năm qua, với hơn 15.000ml máu hiến tặng, ông đã góp phần giúp nhiều bệnh nhân đang nguy cấp có thêm cơ hội được cứu chữa, giành lại sự sống.

{keywords}
Ông Trần Quốc Chánh.

Việc tình nguyện hiến máu của ông Chánh bắt đầu từ năm 2003. Trong một lần đi thăm người thân bị bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, ông chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân cần tiếp máu để phẫu thuật. Nhưng loại máu thích hợp cho các bệnh nhân này không còn đủ, người thân của họ cũng không có loại máu phù hợp nên việc chữa bệnh gặp khó khăn.

“Câu chuyện đó đã ám ảnh tôi. Tôi băn khoăn: “Tại sao không đủ máu cho bệnh nhân?” và bắt đầu tìm hiểu về việc hiến máu. Các tài liệu trên mạng, truyền hình và tờ rơi của bệnh viện… được tôi nghiên cứu rất kỹ và tôi nhận ra tầm quan trọng của việc hiến máu.

Đặc biệt, tôi mang nhóm máu 0 - nhóm máu có thể truyền cho tất cả mọi người vì vậy càng có lý do để thôi thúc tôi hiến máu”, ông nhớ lại.

Từ năm 2004, ông Chánh tự nguyện tham gia hiến máu tại bệnh viện.

Lần đầu tiên hiến máu, ông Chánh thừa nhận, không tránh khỏi sự lo âu. “Tôi không biết mình có đủ điều kiện để hiến không. Tôi cũng hỏi đi hỏi lại về sự an toàn lúc cho máu. Tuy nhiên sau đó, tôi thấy việc hiến máu có lợi cho bản thân (được kiểm tra máu, sàng lọc bệnh, có cơ hội “thay máu”…) và góp phần làm giàu nguồn máu dự trữ cho những người bệnh cần”.

Từ đó, mỗi năm, trung bình 3 tháng/lần, ông Chánh lại đi hiến máu. Suốt 16 năm, ông đều đặn cho đi những giọt máu của mình. Thời điểm duy nhất khiến ông gián đoạn việc hiến máu trong vòng 10 tháng là lần ông bị tai nạn gãy tay vào năm 2018.

Sau khi sức khỏe ổn định, ông lại tiếp tục hiến nguồn máu cho cộng đồng. Ngoài ra, ông còn vận động vợ và con gái Trần Thảo Nguyên (SN 1990) cùng đi hiến máu. Đến nay, vợ và con gái ông có 25 lần hiến máu.

Không chỉ vậy, ông cũng vận động hàng xóm, người quen hiến máu cho cộng đồng. “Việc vận động, ban đầu, không dễ dàng. Một số người sợ mất máu hoặc nghĩ rằng máu cho đi là uổng phí, mình phải giải thích cặn kẽ. Tôi còn in tờ rơi, thông tin chính thống để đưa cho họ đọc.

Một số người lo sợ hiến máu sẽ dễ lây bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tôi phải đưa bản thân mình ra làm bằng chứng, thuyết phục họ. Nhiều năm hiến máu, sức khỏe tôi còn tốt lên. Đến nay, có khoảng 18 người đã tham gia phong trào này”.

Từ khi tham gia hiến máu, ông Chánh chú ý đến chế độ ăn uống, ý thức giữ sức khỏe. Ông ăn đủ chất, đều đặn và hạn chế rượu, bia. Ông cũng tập thể dục để có được nguồn máu tốt, đủ điều kiện.

Nhiều năm trước, dù chưa đến lịch hiến máu (3 tháng/lần) nhưng sắp phải có chuyến công tác dài, ông đều đến bệnh viện hiến máu trước thời hạn. Sau này, có quy định 3 tháng/lần, ông tìm mọi cách để sắp xếp công việc cơ quan, gia đình để không ảnh hưởng đến lịch đi hiến máu.

Việc hiến máu đã cho ông nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Đó là vào năm 2015, khi ông Chánh cùng đoàn khoảng 30 người từ An Giang đi du lịch tại TP Nha Trang.

Khi đoàn đến tỉnh Bình Thuận, xe khách bị hỏng. Tình cờ, gần đó, có một vụ tai nạn vừa xảy ra. Một người phụ nữ được đưa vào bệnh viện gần nhất trong tình trạng bị mất rất nhiều máu. Lượng máu dự trữ của bệnh viện không đủ, các bác sĩ kêu gọi việc hiến máu tại chỗ.

Dù mới hiến máu cách đó 1 tháng nhưng ông Chánh không chút do dự, xin được hiến cho người phụ nữ xa lạ. Ông còn vận động, thuyết phục được 3 người khác trong đoàn du lịch hiến máu cho người phụ nữ trên.

Xong việc, đoàn xe tiếp tục hành trình của mình. “Chúng tôi không có tin tức về người phụ nữ ấy nhưng tôi hi vọng những giọt máu của mình đã giúp cho một con người có cơ hội được tái sinh lần nữa”, ông Chánh nói.

Với những đóng góp tích cực, ông Chánh đã vinh dự được nhận kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bằng khen của UBND tỉnh Anh Giang vì có thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Vừa qua, ông cũng là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV được tôn vinh nhân ngày Quốc tế người hiến máu 14/6.

“Giờ nhắc đến ông Chánh là người ta nghĩ đến “ông già hay hiến máu”. Lúc bắt đầu công việc tình nguyện này, tôi không nghĩ đến việc tuyên dương, hay thành tích.

Tôi đến với nó chỉ vì lý do đơn giản, đây là việc tốt cho sức khỏe của bản thân và cũng là việc trong sức của mình, tôi có thể làm cho cộng đồng. Với tôi, hạnh phúc là cho đi”, ông Chánh nói thêm.

Chàng trai Quảng Ninh kiếm tiền từ 3 công việc chỉ bằng một ngón tay

Chàng trai Quảng Ninh kiếm tiền từ 3 công việc chỉ bằng một ngón tay

Bị liệt toàn thân sau một tai nạn, Đặng Minh Tuấn dành hàng chục năm để tập luyện, vươn lên, trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng những người khuyết tật.

Ngọc Trang