Vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết đã cấp cứu kịp thời bệnh nhân H.T.B (50 tuổi, ngư dân) bị đột quỵ xuất huyết não.
Khai thác thông tin ghi nhận, trong 10 ngày trước nhập viện, ông B. xuất hiện triệu chứng đau đầu. Sau đó, ông bị rối loạn ý thức, liệt nửa người bên trái. Tình trạng ngày càng nặng hơn nên gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh xá trên đảo.
Các bác sĩ đã hội chẩn qua hệ thống Telemedicine với Bệnh viện Quân y 175, chẩn đoán bệnh nhân hôn mê, theo dõi đột quỵ xuất huyết não, tăng huyết áp. Do người bệnh tiến triển ít, dấu hiệu ý thức xấu hơn nên các bác sĩ thống nhất phương án chuyển vào đất liền, cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Quân y 175.
Theo bác sĩ Phan Xuân Uy Hùng, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, đột quỵ còn được dân gian biết đến với tên gọi tai biến mạch máu não. Đột quỵ xảy ra khi có bất thường các mạch máu tại não hoặc các mạch máu dẫn đến não.
Hai loại đột quỵ phổ biến nhất là nhồi máu não (chiếm 85%) và xuất huyết não (chiếm 15%). Nhồi máu não xảy ra khi động mạch nuôi não bị tắc hẹp dẫn đến thiếu máu cho tế bào thần kinh. Trong khi đó, xuất huyết não là do mạch máu bị vỡ làm chảy máu trong hộp sọ.
Đột quỵ làm các tế bào thần kinh bị tổn thương và chết đi, để lại hậu quả và di chứng trên người bệnh, trường hợp xấu nhất có thể tử vong.
Bác sĩ Hùng cho hay Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người tử vong do đột quỵ đứng hàng đầu, vượt trên cả bệnh tim mạch. Tuy vậy số người quan tâm và biết cách phòng ngừa đột quỵ còn rất thấp.
“Chữa trị đột quỵ tốt nhất chính là dự phòng. Trong cuộc chiến chống lại đột quỵ, bạn chính là nhân tố quyết định”, bác sĩ Hùng nói và chia sẻ 10 điểm mấu chốt cần thực hiện trong phòng ngừa đột quỵ. Cụ thể gồm:
1. Theo dõi mức huyết áp
2. Kiểm soát mỡ máu, cholesterol xấu
3. Giữ đường huyết trong giới hạn bình thường
4. Thể dục, thể thao
5. Ăn uống lành mạnh
6. Đảm bảo cân nặng ở mức tối ưu
7. Không hút thuốc lá
8. Hạn chế rượu bia
9. Tuân thủ điều trị của bác sĩ
10. Nếu còn băn khoăn, liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên về đột quỵ.