Trong khu nhà xưởng được bao bọc bằng tôn cũ, chính giữa là một giếng trời, anh Nguyễn Quốc Dân (38 tuổi) khoác trên mình bộ áo quần sặc sỡ, chi chít những đường chỉ thêu. Anh cười và nói: “Xưởng này tôi đã ấp ủ từ lâu, mong muốn đưa những thứ bỏ đi về đây, tái sinh chúng thành “cuộc đời” mới”.
Anh Dân sinh ra tại Hội An (Quảng Nam). Ba tuổi, anh cùng mẹ vào Phan Thiết (Bình Thuận) sống. Vì mẹ làm thêm không đủ chi tiêu, cùng với bệnh tật hành hạ, năm anh Dân 10 tuổi, cậu của anh đón hai người về lại quê hương.
“Lên tuổi 12, tôi được chuyển đến trại trẻ mồ côi sống. Đây cũng là nơi bắt đầu cho con đường nghệ thuật của tôi sau này.
Tôi nhận thấy mình đam mê hội họa nên thường mang theo bút, giấy lang thang phố cổ vẽ vời. Lúc này, một cặp vợ chồng người Mỹ nhìn thấy tôi có năng khiếu nên nhận làm con nuôi. Hỗ trợ tôi theo con đường hội họa sau này”, anh Dân nhớ lại.
Năm 2009 anh Dân tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ra trường, anh mở lớp luyện thi dành cho các bạn học sinh.
Năm 2020, anh cùng vợ về quê, thuê miếng đất hơn 1.000m2, mở xưởng tái sinh những thứ bỏ đi. “Gọi xưởng tái sinh vì tôi muốn mang những thứ bỏ đi từ nhôm, nhựa, đồng, gỗ… thổi hồn vào đó, tạo thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị”.
Nhà xưởng của anh Dân rộng hơn 500m2, xung quanh bao bọc bằng những miếng tôn cũ kỹ, chính giữa là một giếng trời. Anh khoét sâu giữa nền nhà một gian chừng 8m2, xung quanh đặt thùng phi, phía trên các thùng anh đặt những tác phẩm tái sinh từ nhôm, nhựa.
Chỉnh sửa một tác phẩm, anh Dân giải thích, đây là lồng đèn, được làm từ 2 thau nhôm bỏ đi, được anh cắt từng đường, kéo giãn ra. Thau nhỏ đặt dưới làm đế, thau lớn đặt trên, khoảng chênh lệch giữa 2 thau tượng trưng cho viền của lồng đèn.
Nổi bật trong xưởng tái sinh của anh Dân là 3 lồng đèn lớn được làm từ bồn nước inox bỏ đi. Anh bộc bạch: “Chiếc lồng đèn này tôi thích nhất trong những tác phẩm tái sinh tại xưởng.
Nó được lên ý tưởng theo ngành mỹ thuật phi lập thể. Từ bồn inox bỏ đi, tôi cắt từng đường, cạnh khác nhau, sau đó kéo giãn nó ra. Những đường cắt sẽ hình thành họa tiết trang trí đẹp mắt, uyển chuyển chứ không còn khô khan như ban đầu”.
“Bảo tàng tái sinh”
Để có những tác phẩm như hiện tại, anh Dân hằng ngày phải rong ruổi trên các nẻo đường ở TP Đà Nẵng, các huyện lân cận như Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, tìm đến cơ sở phế liệu mua lại những thứ bỏ đi này. Đồ anh thường mua lại chủ yếu là nhựa, ma-nơ-canh, bồn tắm, bồn nước…
Đến hiện tại, xưởng tái sinh của anh có khoảng 70 tác phẩm. Những tác phẩm này chủ yếu từ các vật dụng bỏ đi như bồn nước, thau chậu, ma-nơ-canh… Mỗi tác phẩm được anh Dân ‘thổi hồn’ bằng phương pháp mỹ thuật phi lập thể của mình.
Anh tâm sự: “Gia công một tác phẩm rất dễ, vì mình chỉ vẽ đường, thợ sẽ cắt theo đường chỉ đó. Điều khó nhất chính là ý tưởng. Từ một chiếc thau nhôm, bồn inox bỏ đi, mình biến nó thành tác phẩm gì, việc này mất rất nhiều thời gian”.
Hằng ngày, anh đón nhiều người yêu nghệ thuật đến xưởng nhằm xem và thưởng thức tác phẩm được anh tái sinh. Anh lý giải, họ đến vì tò mò, lại có người đến vì yêu mến những tác phẩm này. Có người ngỏ lời mua tác phẩm nhưng anh từ chối vì đang muốn trưng bày.
Khi nhắc đến tương lai, mong ước của người nghệ sĩ tuổi 38 là nâng cấp xưởng tái sinh, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật, đưa những thứ bỏ đi thành sản phẩm có ích với xã hội.
Công đoạn vẽ, sau đó sẽ gia công, tạo hình.
“Tôi sẽ phát triển xưởng tái sinh thành “bảo tàng tái sinh”, mở cửa cho mọi người vào tham quan, từ đó, truyền tải được những gì mình làm, mình đặt tâm huyết trong từng tác phẩm”, anh Dân trải lòng.