Kỳ 1: Gầm cầu Sài Gòn: Chốn 'sám hối' của anh ra tù, 'bến đợi' của chị xa quê
Như đã nhắc đến trong kỳ trước, dưới gầm một số cây cầu tại TP.HCM là cuộc sống của những phận đời với nhiều hoàn cảnh trái ngược.
Đó là nơi trú ngụ của một người đàn ông mới ra tù; là "bến đợi" của người đàn bà xa quê - chị Phạm Thị Thanh Thúy (SN 1989, quê An Giang). Tuy nhiên, việc "ẩn mình" của những con người này vốn không khiến nhiều người bất ngờ. Bởi, họ dường như không có nơi để về và chỉ còn cách nương nhờ vào chốn gầm cầu, phó thác số phận cho con nước.
Thế nhưng, chuyện ông Cao Thanh Mỹ (62 tuổi, ngụ Quận 7, TP. HCM), bỏ nhà mặt phố để ra sống nơi gầm cầu Bà Bướm (Quận 7) thực sự khiến nhiều người khó hiểu.
Những vật dụng giản đơn của ông Mỹ để phục vụ cho cuộc sống dưới gầm cầu. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Bỏ nhà phố để ở gầm cầu
“Cơ ngơi dưỡng già” của ông Mỹ cách vị trí chị Thúy neo đậu chiếc ghe cũ kỹ không xa. Đó là một tấm ván lớn được ông trải dưới nền đất, bên trên là cầu Bà Bướm. Mỗi lần có xe di chuyển trên cầu, “mái nhà” của ông rung lên bần bật.
Dù trời mưa lất phất, hơi lạnh bốc ra từ những mảng xi măng dưới gầm cầu khiến chúng tôi run lên liên hồi, ông vẫn mình trần trùng trục, ngồi võng đung đưa.
Từ khi chị Thúy và chồng neo ghe tại đây đã thấy chiếc ghe chài nhỏ của ông Mỹ tấp gọn gàng dưới gầm cầu này. Ông có mái tóc dài, lượn sóng đặc vị nghệ sĩ nhưng lại xuề xòa, chân chất đến lạ. Thấy chúng tôi, ông vẫy tay, gọi vào uống nước, tránh mưa.
Chị Thúy nói, ở đây, vợ chồng chị chỉ có ông Mỹ là lối xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Nghe vậy, ông cười lớn nói: “Tao cũng như bay, ăn nhờ ở đậu gầm cầu cả. Tối lửa tắt đèn có nhau gì chứ”.
Thực ra, ông có nhà cửa khang trang ngoài mặt phố ở Quận 7. Ông Mỹ cũng không phải gốc là dân chài lưới hay ôm mộng chim trời cá nước làm kế mưu sinh. Ông ra gầm cầu ít người qua lại này tá túc là vì cái sở thích kỳ lạ của mình.
“Trước đây, tôi làm tài xế cho hãng phim nổi tiếng. Lúc đoàn phim thiếu diễn viên, thấy tôi hợp vai nào, họ lôi tôi vào đóng luôn. Thế mà cũng có cảnh lên phim, tôi trở thành diễn viên nghiệp dư. Lúc trẻ lo làm, tích góp mua được nhà cửa, cưới vợ sinh con, giờ tôi giao nhà lại cho vợ con rồi ra đây ở”, ông Mỹ nói.
Cái lý do ông bỏ nhà cao cửa rộng, cuộc sống tiện nghi để chui rúc dưới gầm cầu, sống cùng chuột bọ cũng khiến chúng tôi bất ngờ. Hỏi mãi, cuối cùng ông cũng tiết lộ. Ông ra đây ở vì sợ… chết.
Ông nói, ở nhà hoài chán, không làm gì người cứ tăng cân không kìm được. Nếu cứ như thế, ông sợ một ngày nào đó sẽ lâm bệnh mà chết.
“Tính tôi thích đi lại, không quen ngồi một chỗ. Ở nhà tù túng, quanh đi quẩn lại chỉ 4 bức tường. Cứ thế sớm muộn tôi cũng lâm bệnh mà chết. Tôi quyết định bỏ nhà, ra gầm cầu này sống như thổ dân. Ai khuyên can, chửi bới gì tôi cũng mặc”, ông Mỹ kể thêm.
Vui thú tiêu dao
Chiếc thuyền câu, phương tiện giúp ông Mỹ vui hưởng thú tiêu dao của mình. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Để chuẩn bị cho cuộc sống dưới gầm cầu, ông Mỹ mua lại một ghe đánh cá nhỏ rồi cuốn theo mấy bộ đồ cũ xuôi theo dòng nước ra phía cầu Bà Bướm. Ngày nắng đẹp, ông chèo ghe rong ruổi theo con nước đánh bắt cá tôm. Ngày mưa gió, ông chui vào ghe nằm...
Ông nói, chiếc ghe không phải là phương tiện mưu sinh mà là công cụ giúp ông chạm đến cuộc sống an nhiên tự tại. Ông câu cá, chài lưới không cưỡng cầu được, mất. Có cá, ông có thêm miếng ăn ngon. Về tay không, ông ăn cơm với rau dại chấm muối…
Chị Thúy nói, ban ngày, ông Mỹ cứ mình trần lủi thủi trên ghe, thả trôi theo dòng nước. Ông lang thang đây đó trên sông ngắm chỗ này, “nghiên cứu” chỗ nọ. Chiều xuống, ông bơi thuyền về đậu dưới gầm cầu Bà Bướm.
“Hôm có nhiều cá tôm, ông chia lại cho tôi và những người lao động nghèo khác. Ông không bán bao giờ, thấy ai khổ ông còn mua gạo đem đến biếu. Ở đây, ai cũng thương ông ấy cả. Cháu, con ông cũng hay đến gầm cầu thăm ông đòi ông về nhưng ông không chịu”, chị Thúy kể.
Ông Mỹ một mình sống dưới gầm cầu nhưng chưa bao giờ bệnh. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Quanh năm mình trần, ngủ gầm cầu ẩm thấp vậy mà ông Mỹ chưa hề một lần bệnh tật. Ở tuổi 62, ông vạm vỡ và vô cùng lạc quan. Ông bảo, người ta chê gầm cầu chứ ông thấy ở gầm cầu sướng hơn ở phòng máy lạnh.
“Như vậy là tôi sống cùng thiên nhiên, vạn vật. Đêm nằm nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả, nghe tiếng xe chạy trên đầu, cảm nhận được những khối bê tông rung lên bần bật mỗi khi xe chạy qua… Cuộc sống cứ thế chầm chậm trôi qua. Tôi thấy an nhiên hơn là vào sống trong kia, nơi đèn điện sáng lòa mà ngột ngạt, bon chen quá”, ông Mỹ nói.
Mải nói chuyện, ông không nghe tiếng gió rít qua kẽ xi măng báo hiệu cơn mưa lớn sắp ập đến. Thấy chúng tôi có vẻ lạnh, ông cười xòa bảo sức khỏe thanh niên bây giờ kém hơn xưa nhiều.
Nói xong, ông xếp thêm mấy cây củi khô vào ngọn lửa để sưởi ấm, chống muỗi mòng. Trời nhá nhem tối, ông bật chiếc đèn chiếu sáng bằng ắc quy rồi lôi ra những bức ảnh đen trắng ghi lại kỷ niệm thời ông đi đóng phim khoe khách lạ.
Cuối cùng, ông lôi từ trên thanh dầm gầm cầu chiếc ipad cũ mèm để gọi điện trò chuyện với đứa cháu ngoại. Ông kể, cháu ngoại còn nhỏ nhưng thương ông nhất. Ngày ông rời nhà ra gầm cầu sống, nó cứ khóc hoài rồi đòi “ngoại về nhà chơi với con”. Mấy nay mưa bão, ông chưa về thăm cháu được nên đành trò chuyện từ xa.
Ông nói: “Nhiều người cứ nghĩ phải ở nhà to, nhà rộng rồi lao thân đi kiếm thật nhiều tiền để phục vụ cho mơ ước của mình. Tôi lại thấy ở đâu cũng vậy miễn sao mình thấy vui là được. Như tôi bây giờ, tôi thấy mình sống rất vui và thi vị”.
Gầm cầu Sài Gòn: Chốn 'sám hối' của anh ra tù, 'bến đợi' của chị xa quê
Dưới gầm một số cây cầu tại TP.HCM là cuộc sống của những phận đời với nhiều hoàn cảnh trái ngược.
Nguyễn Sơn