Bệnh nhân lớn tuổi được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) lúc 2 giờ sáng 9/10.
Lúc này, bệnh nhân khó thở, trụy tim mạch, huyết áp giảm chỉ còn 50/20mmHg, đau nhức toàn thân, đặc biệt đau nhiều hơn ở cẳng chân bên trái. Không chỉ sưng to, cẳng chân, bàn chân trái của ông cũng nổi các nốt phỏng tím đen.
Chia sẻ với bác sĩ cấp cứu, gia đình bệnh nhân cho biết trước đó 5 ngày, người bệnh có ăn tiết lợn do gia đình mua ở chợ không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng cách thở ôxy, truyền dịch, thuốc vận mạch nâng huyết áp, giảm đau. Đồng thời, ê-kíp trực cấp cứu hội chẩn ngay với Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Hồi sức yêu cầu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Kết quả hội chẩn nghi ngờ người bệnh nhiễm liên cầu lợn.
Do tình trạng bệnh nhân nặng, các thầy thuốc thống nhất vừa hồi sức tích cực cho người bệnh, vừa chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện tỉnh Phú Thọ. Tại khoa Hồi sức yêu cầu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được lọc máu kết hợp các biện pháp điều trị tích cực.
Ngày 12/10, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, kết quả cấy máu của bệnh nhân cho thấy ông bị nhiễm liên cầu lợn. Hiện tại, sức khoẻ người bệnh có tiến triển tốt.
Các bác sĩ khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người dân không nên ăn tiết canh, dù là tiết canh lợn, dê hay vịt, ngan… và không ăn các sản phẩm làm từ thịt chưa được nấu chín; Tuyệt đối không ăn thịt gia súc, gia cầm chết.
Cùng đó, sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở, người dân không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống; Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.
Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.