Ông Trần Bình Hùng bị liệt cả 2 chân (do bệnh hẹp ống sống) không thể tự đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào vợ là bà Phạm Thị Kim Dung (65 tuổi).
Bà Dung cho biết, do ông Hùng bị bệnh nặng nên hàng năm chi phí chữa trị bệnh rất tốn kém. Mọi chi phí chữa bệnh, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của gia đình chỉ biết trông chờ vào hơn 4 triệu tiền lương hưu hàng tháng của ông.
Theo bà Dung, đáng lẽ lương hưu hàng tháng của ông Hùng phải được gần 6 triệu đồng/tháng, nhưng BHXH Thái Nguyên tính thiếu thời gian công tác hơn 10 năm nên mức lương hưu của chồng bà mới thấp như vậy.
Ông Trần Bình Hùng sinh 1958, là cựu chiến binh. Từ năm 1980 - 1983 ông tham gia quân đội tại Trung đoàn 148 (quân khu III). Từ 1983, ông được điều động và công tác tại Ban Tổ chức chính quyền Hà Bắc.
Đến ngày 30/3/1990, ông được chuyển về công tác tại Công ty ăn uống phục vụ Hà Bắc. Từ năm 1990 đến 1996, ông được giám đốc Công ty ăn uống phục vụ Hà Bắc tiếp nhận và điều động công tác đến Cửa hàng ăn uống số 1 Bắc Ninh, sau đó được thuyên chuyển về làm việc tại Công ty xây dựng số 3 Bắc Thái.
Trong đơn gửi tới các cơ quan chức năng, ông Trần Bình Hùng khẳng định, bản thân chưa nhận chế độ 176 (hưởng một lần khi thôi việc) đến tháng 9/1994.
Thế nhưng, ngày 8/5/2019, khi nhận quyết định về hưu từ BHXH Thái Nguyên, vợ chồng ông "tá hỏa" vì cơ quan này chỉ tính thời gian nghỉ hưu cho ông Hùng 22 năm 2 tháng làm việc ở Thái Nguyên, còn 16 năm công tác ở tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay) BHXH từ chối thanh toán với lý do, thời gian làm việc tại Hà Bắc, ông Hùng đã nghỉ việc theo chế độ 176.
Chưa đủ cơ sở khẳng định ông Hùng đã nghỉ việc theo chế độ 176
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đinh Văn Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, dựa vào những tài liệu do chính ông Hùng cung cấp và đoàn công tác tìm thêm tại tỉnh Bắc Giang, BHXH Thái Nguyên đi đến quyết định không giải quyết chế độ cộng nối thời gian công tác hưởng lương hưu cho ông Trần Bình Hùng.
Theo ông Sơn, tại công văn 267 ngày 6/11/1990 của Công ty ăn uống phục vụ Hà Bắc (do ông Hùng cung cấp) có nêu phương hướng kinh doanh trong đó có phương án sắp xếp lại lao động trong doanh nghiệp và danh sách dự kiến cho nghỉ chế độ 176 không sắp xếp được việc làm, trong đó có tên ông Hùng ở số thứ tự 59.
Tiếp theo, tổ công tác tìm thấy quyết định 1099 ngày 24/12/1990 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc ký nêu rõ số tiền chi trợ cấp cho cán bộ công nhân viên thôi việc theo chế độ 176 với 82 người của Công ty ăn uống phục vụ Hà Bắc.
Quyết định này không có danh sách kèm theo, nhưng theo Giám đốc BHXH Thái Nguyên Lò Thị Hoán, phương án công ty trình là 82 người và quyết định chi chế độ cũng là 82 người nên khẳng định ông Trần Bình Hùng đã nghỉ theo chế độ 176.
Phóng viên đặt câu hỏi về việc ai có thể khẳng định phương án trình và phương án phê duyệt trùng nhau 100%, và nếu ông Trần Bình Hùng đã về hưu và hưởng chế độ 176 thì tại sao cơ quan chức năng không có danh sách nhận chế độ hay quyết toán?
Trả lời câu hỏi này, bà Lò Thị Hoán cho biết: “Chúng tôi đã trình cấp trên và được trả lời là không đủ điều kiện cộng nối thời gian”.
Theo ông Đinh Văn Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên, các hồ sơ trên minh chứng ông Hùng không đủ điều kiện để cộng nối thời gian công tác. Hồ sơ hiện có cho thấy, cơ quan quản lý và sở ngành quản lý Bắc Giang thời điểm đó đã làm thủ tục cho ông Hùng nghỉ, giải quyết theo chế độ 176.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận, danh sách về chế độ 176 có 2 đợt đều không thấy tên ông Hùng.
“Thực tế là ông Trần Bình Hùng đã có ở trong danh sách đó, đơn vị và cơ quan chức năng giải quyết chế độ một lần nhưng ông ấy không đến lấy. Theo quy định, dù đã giải quyết chế độ 176 mà người lao động chưa đến lấy thì đến nay Nhà nước vẫn chi trả theo chế độ về một lần chứ không được tính thời gian công tác để hưởng lương hưu”, ông Sơn nói.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Dung nói, danh sách dự kiến những người về một lần theo chế độ 176 thuộc Xí nghiệp ăn uống dịch vụ Bắc Giang, trong khi chồng bà - ông Trần Bình Hùng là lao động thuộc cửa hàng ăn uống Bắc Ninh. Vì vậy, việc BHXH Thái Nguyên “ghép” danh sách và cho rằng ông Hùng đã được nghỉ, giải quyết theo chế độ 176 là không có cơ sở.
"BHXH Thái Nguyên không tìm được quyết định về nghỉ hưu theo chế độ 176 của chồng tôi mà lấy bản dự kiến do chồng tôi cung cấp rồi ghép vào gửi BHXH Việt Nam để khẳng định chồng tôi đã về hưu theo chế độ 176 là sai với quy định của pháp luật”, bà Dung nói.
Cũng theo bà Dung, tại cuộc trao đổi gần đây nhất hôm 7/6/2024, đại diện BHXH Thái Nguyên đã phải ký vào biên bản không tìm thấy danh sách đã về nghỉ theo chế độ 176 của ông Trần Bình Hùng. Tuy nhiên, đại diện BHXH lại yêu cầu ông Trần Bình Hùng phải có bảng lương thì mới công nhận cộng dồn thời gian công tác.
“Họ yêu cầu chồng tôi phải cung cấp bảng lương, nhưng bảng lương là do cơ quan nhà nước làm và giữ, thời điểm đó chồng tôi lấy đâu ra bảng lương. Đây là việc làm quá cứng nhắc của BHXH Thái Nguyên để cố tình không xử lý quyền lợi chính đáng cho chồng tôi”, bà Dung khẳng định.
(Còn nữa)