Anh N.V.T. (43 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đến khám tổng quát tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trong quá trình nội soi tiêu hóa, bác sĩ của Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật phát hiện người đàn ông này có polyp đại tràng u tuyến.
Bác sĩ đã thực hiện cắt polyp trong quá trình nội soi và gửi sinh thiết mẫu bệnh phẩm. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư giai đoạn sớm. Khi nghe chẩn đoán từ bác sĩ, anh T. rất bất ngờ vì bản thân luôn cảm thấy thể trạng tốt, không có dấu hiệu bất thường.
Khoảng một năm nay, vợ anh liên tục giục chồng đi nội soi tiêu hóa vì đã qua tuổi 40. Vợ nói nhiều, anh còn cằn nhằn, khó chịu cho rằng cô "lo xa, ám ảnh bệnh tật". Gần đây, khi biết thông tin một nữ đồng nghiệp phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn, vợ lại giục nên anh T. mới đến viện khám.
Bác sĩ cho rằng người đàn ông này may mắn. Bởi nếu phát hiện chậm trễ 1-2 năm, bệnh nhân sẽ phải thực hiện phẫu thuật cắt đại tràng, hóa xạ trị, việc điều trị khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.
Bác sĩ Hoàng Văn Chương, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ung thư đại tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa có số người mắc đứng thứ 3 tại Việt Nam, ngày càng trẻ hóa. Tại trung tâm, các bác sĩ ghi nhận nhiều ca bệnh chỉ hơn 20 tuổi.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng
- Thay đổi thói quen đại tiện: Tăng số lần đi ngoài, cảm giác đi không hết phân, rặn không ra phân.
- Thay đổi tính chất phân: Phân lỏng, nát, không thành khuôn, dẹt mỏng. Táo bón bất thường, phân nhày.
- Đi ngoài ra máu.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Thiếu máu gây mệt mỏi, xanh xao.
- Đau tức vùng bụng dưới, xương chậu.
Khi nào nên nội soi đại tràng?
Người trên 50 tuổi nên bắt đầu nội soi đại tràng kể cả khi không có tiền sử bệnh liên quan đến đại trực tràng. Nội soi đại tràng định kỳ có thể phát hiện sớm những tổn thương có thể phát triển thành ung thư để nhanh chóng điều trị.
Người có những yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng nên đi nội soi đại tràng sớm và thường xuyên hơn như tiền sử gia đình (đặc biệt là bố mẹ, anh chị em) có người bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng; người bị hội chứng Crohn, ruột kích thích (IBS), polyp đại trực tràng, viêm loét đại tràng, viêm loét trực tràng; gia đình mang gen làm tăng nguy cơ ung thư như bệnh đa u tuyến hoặc hội chứng Lynch.