- "Ở gần khu đất trống - nơi các công nhân hay tập kết xe rác, có một người đàn ông rất tai quái. Mỗi lần thấy các lao công về tập kết xe, ông ta lại lao tới xin cơm thừa canh cặn để mang về nuôi lợn gà... ".
Vẫn nhớ như in cảm xúc những ngày mới vào nghề, chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1975 công nhân vệ sinh môi trường tổ 16, khu Thái Hà, phường Trung Liệt, Hà Nội) cho biết, ngày đó chị mới 18 tuổi, là công nhân trẻ nhất trong công ty.
Đến nay, chị đã gắn bó với nghề được 24 năm. Suốt thời gian đó, chỉ có 1 năm duy nhất khi sinh con đầu lòng là chị được ăn Tết ở nhà. Còn lại, 23 năm, lúc người ta sum họp gia đình, đón giao thừa hay đưa nhau đi nghỉ lễ thì chị phải mặc bộ quần áo lao công rồi lao ra đường.
Tuy nhiên chị bảo, cái nghề không được nhiều người quan tâm này lại là nghề giúp chị kiếm được tiền để nuôi hai con ăn học nên chị luôn trân trọng.
“Tôi không học hành nhiều nên có được một công việc chân chính để kiếm tiền nuôi sống bản thân và nuôi các con ăn học là tôi trân trọng lắm. Tôi không bao giờ ngại khi nhận mình là lao công, thậm chí tôi còn thấy rất tự hào khi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1975) công nhân vệ sinh môi trường tổ 16, khu Thái Hà, phường Trung Liệt, Hà Nội. |
Bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp, chị Tuyết cũng phải thừa nhận, để có được tình cảm với nghề và yêu nghề, những công nhân như chị cũng từng đã phải gạt đi rất nhiều ấm ức.
“Nhiều người dân rất tốt, tuy nhiên cũng có những người ý thức kém, họ hạnh họe thậm chí là chèn ép và quấy phá chúng tôi”, chị Tuyết cho biết.
Giọng bức xúc, chị Tuyết nhớ lại hình ảnh người đàn ông đã từng khiến các công nhân trong tổ vệ sinh của chị đau đầu suốt một thời gian dài.
Chị Tuyết kể: “Cách đây nhiều năm, trên địa bàn chúng tôi phụ trách có một mảnh đất trống. Ở đó, chúng tôi thường tập kết các xe rác và dụng cụ làm việc như xẻng, chổi… sau khi hoàn thành công việc. Tuy nhiên ở gần khu đất trống này có một người đàn ông rất quái gở.
Mỗi lần thấy các lao công về tập kết xe, ông ta lại lao tới xin cơm thừa canh cặn để mang về nuôi lợn, gà. Hôm nào xin được thì ông ta vui vẻ. Hôm nào không xin được là ông ta sinh sự chửi bới và dọa đánh. Đêm xuống, ông ta còn mang xe rác của chúng tôi đẩy xuống mương, hoặc châm lửa đốt bánh xe.
Hôm sau, mấy chị em chúng tôi đi làm, thấy xe rác bị đẩy xuống mương lại phải gọi nhau hò hét kéo lên. Ngày tạnh nắng, đông người giúp đỡ nên kéo được xe lên nhanh thì đỡ bực, ngày mưa gọi người giúp không được, mấy chị em phụ nữ phải ra sức kéo xe... ”.
“Tuy nhiên, biết gã đàn ông đó là thành phần bất hảo, chúng tôi không dám đôi co mà chỉ biết báo công an phường. Công an phường nhắc nhở thì ông ta im lặng được vài ngày sau đâu lại vào đấy”, chị kể tiếp.
Chưa hết, theo lời chị Tuyết, trên mảnh đất trống này, không chỉ có một người đàn ông quái gở mà còn có rất nhiều đối tượng đặc biệt khác khiến các chị luôn phải dè chừng.
Nữ lao công chia sẻ: “Bãi đất trống này nằm cạnh con mương. Ban ngày nhìn vào, mọi thứ rất yên bình nhưng đêm đến, bãi đất là tụ điểm của những thanh niên nghiện hút.
Chúng tôi đi làm, nhìn thấy các con nghiện quây quần hút chích thì sợ lắm, nhưng dần dần cũng quen. Sau này, tất cả công nhân trong tổ tôi đều nhớ được mặt các con nghiện, vị trí họ ngồi và cả thời gian họ hút chích.
Vì thế, chúng tôi bảo nhau phải tránh xa, đi thu gom rác trên các con ngõ khác. Đến khi họ giải tán chúng tôi mới quay lại hoàn thành công việc của mình”.
Tuy nhiên cũng có hôm không tránh được, đám thanh niên này còn bắt các chị đẩy xe rác lại gần rồi đứng đó che cho họ hút chích.
“Hôm đó, trời đã quá khuya mà nhóm nghiện vẫn tụ tập, tôi chờ không được nên quyết định đẩy xe và dọn dẹp ở quanh bãi đất trống. Đang đẩy xe thì tôi giật thót mình khi nghe tiếng gọi của một thanh niên nào đó trong nhóm. Anh ta ra hiệu cho tôi kéo xe rác lại gần rồi bắt đứng yên để che cho cả nhóm hút chích.
Tôi lẳng lặng làm theo lời gã thanh niên mà tim đập chân run. Thì ra đó là nhóm nghiện mới xuất hiện nên chưa quen địa bàn. Sau này, cũng có vài lần, nhóm người nghiện bắt chúng tôi đứng che chắn như vậy. Tuy nhiên cảm giác run sợ thì bớt đi nhiều”, chị Tuyết kể tiếp.
Theo chị Tuyết, sau khi đám người nghiện bỏ đi, việc giải quyết rác thải mà họ để lại cũng là vấn đề khiến các lao công như chị lo sợ. “Sau khi đám người nghiện rời đi, chúng tôi bắt đầu công việc thu lượm kim tiêm, rác thải. Có hôm, chúng tôi hót được cả xẻng kim tiêm”, chị nói.
Theo chị Tuyết, mặc dù các chị đều được trang bị đồ bảo hộ như quần áo, găng tay, ủng chân… Thế nhưng mỗi lần tiếp xúc với kim tiêm, các chị cũng phải cẩn thận đến từng chi tiết.
“Chúng tôi phải cẩn thận thế, bởi lỡ, không may bị kim tiêm của người mắc bệnh truyền nhiễm đâm vào người thì gia đình chúng tôi coi như khổ trăm bề …”, chị thật thà tâm sự.
Tuy nhiên chị Tuyết bảo, ấy là câu chuyện của nhiều năm về trước. Nay, những lao công như chị đã có phần đỡ vất vả hơn.
"Các thùng rác đã được đặt cố định tại các đoạn đường. Người dân cũng có ý thức đổ rác đúng nơi quy định hơn. Đặc biệt, tình trạng nghiện hút tụ tập cũng đã được xóa sạch" - chị Tuyết nói.
Người đàn ông bế con trong đêm khiến nữ lao công thổn thức
Là công nhân vệ sinh môi trường, không ít lần chị chạnh lòng khi các con tự ti về công việc của mẹ. Một lần chị đến trường đón con, con bảo: “Từ lần sau mẹ đừng mặc quần áo lao công đến đón con nữa”.
Người thanh niên xuất hiện trong đêm khiến nữ lao công rơi nước mắt
Xe chở rác đi qua nhà, nhiều người không kịp mang rác ra cửa, họ xách rác đuổi theo xe rồi gọi giật giọng: “Rác ơi”. Sau đó, vèo một cái, họ ném túi rác bay thẳng về phía lao công …
Minh Anh - Vỹ Khúc