Ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1954, trú tại khu phố 8, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, Quảng Trị) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Vợ chồng ông từng tham gia lực lượng du kích, sau đó kinh qua nhiều nhiệm vụ khác nhau ở địa phương.
Trở về sau kháng chiến, ông và vợ đều bị nhiễm chất độc hóa học, hiện được hưởng trợ cấp từ nhà nước. Gia đình ông có 3 người con thì 2 người bị nhiễm chất độc từ bố mẹ. Trong đó, có 1 người con bị câm điếc bẩm sinh.
Từng trải qua nhiều chức vụ ở khối phố và thị trấn, hiện tại là Phó trưởng khu phố 8, hơn ai hết, ông Thắng hiểu rõ những khó khăn của cán bộ khi vận động người dân hiến đất xây dựng đô thị văn minh.
Năm 2009, địa phương có dự án hỗ trợ xây nhà cộng đồng nhưng chưa tìm ra mặt bằng để xây dựng. Chính quyền khu phố 8 rất vất vả vì phải đến từng nhà để tìm hiểu và vận động người dân hiến đất. Trong khi đó, những hộ dân ở trung tâm khu phố thì không có đất.
Ông Nguyễn Xuân Trúc (65 tuổi), bí thư chi bộ khu phố 8 lúc bấy giờ, từng đi cùng đoàn cán bộ tới nhà ông Thắng đề xuất hiến đất. Đến giờ ông vẫn nhớ như in nghĩa cử cao đẹp của ông Thắng.
“Thời điểm đó, việc tìm được mảnh đất để xây nhà văn hóa là vô cùng khó. Đất công không có, những hộ có đất cũng chỉ có vài hộ thôi. Chúng tôi đến nhà ông Thắng đầu tiên. Việc vận động gia đình ông Thắng hầu như không gặp khó khăn gì. Bởi lẽ, cùng là cán bộ, làm công tác dân vận với nhau nên ông Thắng rất hiểu chúng tôi.
Hôm chúng tôi ghé qua nhà ông Thắng, mới nói qua mong muốn xây nhà văn hóa cộng đồng khu phố, ông Thắng đã hiểu và đồng ý hiến đất ngay. Mảnh đất rất rộng, trị giá trên dưới nửa tỷ đồng nhưng ông hiến vô cùng nhanh chóng và nhẹ nhàng. Các cán bộ địa phương có mặt đều mừng lắm, ai cũng thấy nhẹ nhõm vì đã có đất, chỉ còn việc xây nên nhà văn hóa nữa thôi", ông Trúc kể.
Ông Thắng đã gấp rút họp gia đình để trình bày ý nguyện với các thành viên. Rất nhanh chóng, cả gia đình đều chấp thuận việc hiến cả mảnh đất rộng 650m2 để phục vụ nhu cầu chung cho bà con trong vùng.
Năm 2010, nhà văn hóa cộng đồng khu phố 8 được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Từ đây, khu phố đã có địa điểm để bà con họp hành cũng như có không gian sinh hoạt chung.
Trên phần đất rộng được gia đình ông Thắng hiến, người dân cũng đã chung tay, góp sức xây sân bê tông khá rộng để chơi thể thao.
Ông Thắng cho biết, nhà văn hóa cũng là địa điểm được người dân tận dụng để phơi lúa mỗi khi đến vụ mùa. Cách đây nhiều năm, khoảnh sân này được người dân mượn để dựng rạp đám cưới cho con cháu.
Nếu cân đong giá trị kinh tế, mảnh đất rộng 650m2 ở trung tâm thị trấn Gio Linh sẽ mang lại cho gia đình ông Thắng một khoản tiền không nhỏ, có thể giúp ông an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, ông đã hiến tặng cho khối phố để làm nơi sinh hoạt chung.
Ông vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống vì cộng đồng. Trước đây, ông nội tôi đã hiến mảnh đất rộng 22m, dài 23m để xây mảnh sân cho xóm để tế tự, sinh hoạt mỗi khi có dịp.
Với việc hiến 650m2 đất xây nhà văn hóa, gia đình tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, mình có mảnh đất ở vị trí trung tâm khu phố, việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng sẽ thuận tiện cho tất cả bà con tề tựu về sinh hoạt. Hơn nữa, mình là cán bộ trong khu phố, mình làm gương tốt thì mọi người sẽ noi gương, làm theo”.
Hiến đất mở rộng đường
Giai đoạn năm 2018-2019, khi địa phương có chủ trương xây dựng đô thị văn minh, ông Thắng cũng không ngần ngại dỡ bỏ dãy tường rào cao 3m để hiến 21m2 đất, mở rộng đường thông thoáng, thuận lợi hơn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong vùng.
Sau khi đường được mở rộng, người đàn ông này phải xây lại tường rào mới với chi phí hơn 70 triệu đồng.
Ông Hoàng Hiệp - Trưởng khu phố 8 cho biết: “Đi đầu trong phong trào hiến đất xây nhà văn hóa và mở rộng đường ở khu phố, ông Thắng đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Từ đó, có hơn 20 hộ dân đã tự nguyện hiến với diện tích khoảng 2.000m2 đất để mở rộng đường đi lại trong khu phố. Nhờ sự chung tay của tập thể, khu phố ngày càng đoàn kết hơn và diện mạo khu phố được nâng lên từng ngày”, vị trưởng khu phố chia sẻ.