Ngày 31/7, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) thông tin các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân nam 33 tuổi (trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) bị hội chứng chuyển hóa nặng.
Nam bệnh nhân trẻ vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, cân nặng giảm sút. Tiền sử người đàn ông này bị tăng huyết áp, gout.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường, gout, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid (máu nhiễm mỡ).
Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân có chỉ số đường huyết là 35.04 mmol/l, đây là mức nguy hiểm, gấp gần 10 lần tiêu chuẩn khi đói (3,9-5,0 mmol/l). Nếu không được điều trị kịp thời, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa. Nam bệnh nhân này còn trẻ nhưng các khớp nhỏ đã tập trung hạt tophi - một biến chứng do gout gây nên.
Bác sĩ chuyên khoa I Hà Huy Mến - Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê - cho biết rối loạn chuyển hóa là một nhóm các chứng bệnh xảy ra đồng thời như tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn chuyển hóa lipid... Hội chứng này làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 20-25% người trưởng thành mắc hội chứng này.
Hội chứng này có sự liên quan rất lớn đến lối sống và khẩu phần ăn. Đây là các yếu tố góp phần tăng hội chứng chuyển hóa ở Việt Nam.
Để giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng này, bác sĩ Mến khuyến cáo mọi người cần chú ý điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe, cụ thể như sau:
- Giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI 18,5-22,9kg/m2).
- Hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như đi bộ, duy trì tất cả các ngày trong tuần.
- Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.
- Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Chế độ ăn uống lành mạnh như hạn chế chất béo có hại, tăng cường rau hoa quả, cá và các loại hạt.
- Ngừng hút thuốc lá vì đây là tác nhân làm tăng đề kháng insulin.