‘Phân loại ở nhà thì dễ’
Câu chuyện xử phạt hành chính từ ngày 25/8 tới đây nếu không phân loại rác thải sinh hoạt được đưa lên bàn luận trên một nhóm cư dân chung cư ở khu vực Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hầu hết các ý kiến cho rằng nếu có đủ 3 thùng phân loại ở khu vực nhà rác thì người dân sẵn sàng bố trí 3 thùng rác trong nhà mình và làm theo quy định.
Chị Trịnh Hồng Thắm chia sẻ: “Nếu nó là quy trình chuẩn thì dân không ngại theo. Nhưng chỉ sợ dân phân loại rồi đến lúc tập kết tại bãi lại đổ đống một chỗ thì công cốc”.
Hoặc khi dân phân loại xong, đến khi xe rác đến lại đổ đống chung lên xe thì không có ý nghĩa gì.
Bà mẹ 2 con Thu Trang (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự, chị là người khá quan tâm đến vấn đề môi trường. Mỗi lần vào các siêu thị lớn, chị đều rất hài lòng khi thùng rác đều có 2-3 ngăn để phân loại rác hữu cơ, vô cơ.
“Ở nhà, mỗi lần có cơm canh thừa phải đổ vào thùng là tôi lại không nỡ tay vứt. Nhưng mình có để riêng ra thì đến khi vứt rác cũng phải ném chung vào một thùng thôi, nên lại đành nilon, giấy vụn, thức ăn đổ chung cả vào một thùng. Không đành lòng nhưng chẳng còn cách nào khác” - chị Trang chia sẻ.
Khi biết có quy định xử phạt này, chị Trang cảm thấy rất hào hứng vì nó đúng với quan điểm sống xanh của chị. “Lẽ ra phải nên có lâu rồi. Khi có chế tài xử phạt và trở thành bắt buộc thì các đơn vị thu gom rác sẽ buộc phải tuân thủ, các chung cư sẽ buộc phải bố trí thêm thùng rác. Miễn là có thùng rác phân loại là nhà tôi sẽ tuân thủ ngay. Trước mắt là sắm luôn loại thùng có 3 ngăn phân loại”.
Cũng giống như chị Trang, chị Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) rất hăng hái ủng hộ quy định này. Bởi vì rất nhiều lần 2 đứa con chị đang học tiểu học thắc mắc với mẹ về việc “tại sao nhà mình không phân loại rác giống như các con được dạy ở trường”. “Tôi không biết phải trả lời bọn trẻ con ra sao. Bản thân tôi rất muốn làm việc đó nhưng phân loại xong rồi lại đổ ụp ra thùng rác chung thì chẳng có ý nghĩa gì. Giải thích như thế với các con thì đứa lớn lại hỏi ‘tại sao khu mình không có thùng rác phân loại?’. Rồi nó hỏi vòng quanh, mình không biết giải thích sao cho con hiểu” - chị Linh giãi bày.
‘Vứt rác còn chưa đúng, nữa là phân loại!’
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến ủng hộ nhưng còn băn khoăn về tính khả thi. Chị Phạm Hoài (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa ý kiến: “Tôi thấy việc này không khả thi. Tôi sống ở chung cư, thấy nhiều nhà còn chưa có ý thức vứt rác đúng nơi quy định, vương vãi hết cả ra ngoài. Nên là chuyện phân loại rác chắc còn lâu mới làm được”.
Chị Kim Anh - hàng xóm của chị Hoài cũng đồng cảm với ý kiến này: “Tầng nhà tôi rất nhiều lần bắt gặp cư dân vứt rác ra ngoài thùng, cả cơm và thức ăn thừa. Thậm chí, mọi người nhắc nhở trong nhóm của tầng không được, không có ai nhận. Đến khi phải soi camera và đăng ảnh lên thì mới có người nhận”.
Anh Đại - một cư dân ở khu đô thị Eco Green City (Thanh Trì, Hà Nội) - cũng nêu lên một thực tế là “nếu làm được thì rất tốt, nhưng sẽ có nhiều người… ngại. Bởi vì bây giờ một nhà lại phải sắm 3 cái thùng rác, mỗi tầng cũng phải bố trí 3 thùng rác. Mà thông thường tôi thấy nhiều người đi vào nhà rác là bịt mũi. Không ít người chỉ thò cái tay vào trong vứt, còn không dám đi vào bên trong. Bây giờ phân loại rác thì phải vào tận nơi để vứt cho đúng thùng. Chỉ có một động tác ấy thôi cũng khiến người ta ngại rồi”.
“Còn chuyện xử phạt, bây giờ cũng không ai vào từng nhà kiểm tra người ta phân loại rác như thế nào để mà phạt được”.
Anh Đại cũng cho biết, anh quan sát thấy ở chung cư nơi anh sống, khi rác được thu gom lại, sẽ có các nhân viên vệ sinh ngồi phân loại cơ bản. Nhưng chủ yếu việc này là vì nhu cầu cá nhân, chứ không có quy trình chuẩn và không phải việc bắt buộc phải làm. Ví dụ như thấy đồ gì còn dùng được thì người ta giữ lại, hoặc rác tái chế sẽ được gom lại để bán đồng nát.
Theo Nghị đinh 45/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây, ngoài việc xử phạt 500 nghìn - 1 triệu đồng nếu không phân loại rác thải sinh hoạt, các cá nhân và đơn vị còn có thể bị phạt hành chính nếu có các hành vi vứt rác bừa bãi, đi vệ sinh không đúng nơi quy định…
Là người thường xuyên chứng kiến tình trạng này, chị Nguyễn Thị Anh, Tổ trưởng Tổ Duy trì môi trường Thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, chị hết sức ủng hộ chế tài xử phạt này.
“Nhiều lần đi kiểm tra, chính mắt tôi trông thấy người dân đổ rác bừa bãi không đúng nơi quy định. Tôi góp ý thì người ta quạc lại ‘chúng tôi không vứt rác thì lấy đâu việc cho các chị làm’. Thực sự, mình cũng ‘cứng họng’ luôn trước phản ứng của họ”.
Còn với quy định xử phạt nếu không phân loại rác, chị Anh cho rằng: “Tinh thần của Nghị định thì rất tốt nhưng khi đi vào thực tế thì sẽ cần thời gian để người dân thay đổi thói quen”. Chị Anh cho rằng, nếu là cư dân ở các khu tập thể, khu chung cư thì có thể sẽ dễ dàng hơn, nhưng nếu là dân ở ngoài thì khá là khó vì họ ở khắp nơi tụ về sinh sống, làm ăn. Họ có những thói quen sinh hoạt, có trình độ nhận thức khác nhau, dẫn đến những cách hành xử khác nhau.
Nhiều người cũng đồng tình với quan điểm này, rằng nếu để làm tốt được ngay thì khó, nhưng nếu tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân làm quen dần với việc phân loại rác thì vấn đề ở phía người dân sẽ không còn là điều đáng lo. “Nước Nhật làm được thì mình cũng sẽ làm được” - chị Hải Ninh, một cư dân ở Nam Từ Liêm tin tưởng.