Do thu nhập bình quân trong năm 2022 có thể bị giảm do đại dịch, người dân sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn trong việc chi tiêu cho sản phẩm công nghệ, song các nhà bán lẻ khá lạc quan trong tình hình mới.
Nói với ICTnews, ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc khối viễn thông di động của Thế Giới Di Động, dự báo tác động của dịch bệnh sẽ khiến người dân mua sắm đắn đo hơn trong năm nay.
“Tuy vậy, thiết bị công nghệ đang là vật không thể thiếu của người dân, do đó họ sẽ vẫn phải tiếp tục chi tiêu cho khoản này”, ông Tuyên đánh giá. Quan trọng hơn, đại diện Thế Giới Di Động cho hay, thị trường đang hình thành một lớp khách hàng trẻ tuổi mới sau giai đoạn đại dịch. Nhóm này chính là những học sinh được làm quen sớm với các thiết bị công nghệ sau thời gian học online.
Đối với người lớn, việc thay đổi thiết bị công nghệ sẽ diễn ra trong chu kỳ hai ba năm một lần. Người lớn cũng giữ gìn thiết bị kỹ càng hơn. Ngược lại, ông Tuyên cho rằng nhóm người dùng đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ sử dụng sản phẩm thoải mái hơn, dẫn đến vòng đời sản phẩm ngắn hơn.
“Nhóm này sẽ tạo ra một nhu cầu mà chúng tôi kỳ vọng sẽ mang về khoản doanh thu khác trong thời gian tới”, ông Tuyên thông tin.
Một bé trai đang sử dụng điện thoại bên trong siêu thị bán hàng công nghệ. (Ảnh: Hải Đăng) |
Ông Nguyễn Thế Kha – Giám đốc khối viễn thông di động hệ thống FPT Shop – cũng có đánh giá tương tự. Ông Kha cho rằng hiện có một thế hệ khách hàng mới đang có nhu cầu về sản phẩm công nghệ.
“Ngoài khách hàng "thế hệ cũ" đã phải miễn cưỡng làm quen với làm việc online do tác động của dịch bệnh, thì một "thế hệ mới" đã và đang thực hiện phần lớn hoạt động cá nhân thông qua chính các sản phẩm công nghệ: Smartphone, laptop hay tablet”, ông Kha cho biết. Nhóm khách hàng này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về thiết bị công nghệ (với mỗi nhóm khách hàng nhu cầu có thể khác nhau).
Đại diện chuỗi CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy, nhận xét khách hàng sử dụng smartphone nói riêng và thiết bị công nghệ nói chung đang trẻ hoá. Một phần lý do là sự thay đổi mạnh mẽ của mạng xã hội, trong đó có sự lên ngôi của mạng xã hội định dạng video ngắn như TikTok, khiến nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm smartphone đang xuống tới lứa học sinh từ 13-18 tuổi. Đây cũng là kết quả của dịch bệnh ảnh hưởng suốt hai năm qua dẫn tới học sinh tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ sớm hơn.
Do có sự thay đổi rất mạnh về độ tuổi của khách hàng mua sử dụng các sản phẩm công nghệ hiện nay nên các kênh bán hàng cũng thay đổi nhanh chóng sang online. Do đó bán hàng online trong năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa khi khách hàng trẻ tuổi rất chủ động tiếp cận các kênh bán hàng này.
Thừa nhận thu nhập trung bình của khách hàng trong năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên phía FPT Shop cho rằng vẫn có sự phân hoá trong thu nhập. “Theo nghi nhận của chúng tôi thì tổng số lượng smartphone bán ra không tăng đáng kể, nhưng phân khúc cao cấp lại tăng mạnh gần 3 lần”, ông Kha nói.
Để đáp ứng xu hướng này, ông Kha cho rằng việc chuyên dụng sản phẩm theo nhóm khách hàng sẽ tạo ra tiềm năng tăng trưởng cho hãng và nhà bán lẻ vì vai trò của các sản phẩm công nghệ ngày càng trở nên quan trọng. Tất nhiên giá cả sản phẩm cạnh tranh sẽ được khách hàng ưu tiên hơn trong giai đoạn này.
Ngoài ảnh hưởng về thu nhập của người dân, việc cuộc sống bình thường trở lại cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu sản phẩm công nghệ. Phía CellphoneS nhận định sau thời gian bùng nổ của thị trường các thiết bị công nghệ trong 2 năm qua - đặc biệt là máy tính, thiết bị phục vụ học tập làm việc ở nhà - thì thị trường có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 này khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các trường học công sở đã mở cửa trở lại.
“Tuy vậy, việc trẻ hoá nhanh chóng của khách hàng như đã nói ở trên cũng là cơ hội cho thị trường bán lẻ trong năm nay”, ông Huy nhận định.
Hải Đăng
Nhà bán lẻ công nghệ thay đổi để thích ứng sau dịch
Các nhà bán lẻ lớn nhỏ như FPT Shop, Thế Giới Di Động, CellphoneS đều có những thay đổi mạnh sau dịch nhằm mở ra những cơ hội kinh doanh mới.