Bà con dân tộc xã vùng cao Phong Vân (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã tận dụng lợi thế bãi chăn thả rộng lớn, nguồn thức ăn dồi dào để phát triển chăn nuôi ngựa bạch. Nhờ nguồn sinh kế mới này, nhiều gia đình thoát nghèo, có của ăn của để.
Những năm gần đây, mô hình nuôi ngựa bạch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của bà con dân tộc các xã vùng cao huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Xã Phong Vân (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) là một trong những điểm nuôi ngựa bạch điển hình. Chỉ trong 2 năm gần đây, UBND đã cấp khoảng 200 con ngựa giống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để chăn nuôi, tạo sinh kế mới.
Chị Hứa Thị Hà (dân tộc Nùng) được cấp một con ngựa bạch làm giống. Gia đình làm nông, hàng ngày chị đưa ngựa ra bãi cỏ chăn thả, đến tối đưa về nhà. "Nhờ thuận lợi vì có nhiều đồng cỏ rộng lớn, khi nhận ngựa hỗ trợ từ UBND, chúng tôi rất mừng. Trước kia kinh tế gia đình rất khó khăn, nhờ nhân giống ngựa, đến nay tôi đã có của để dành", chị nói.
Theo các hộ chăn nuôi ngựa nhiều năm tại đây, do ngựa bạch cho giá trị kinh tế cao nên hiện nay nhiều hộ dân chuyển sang đầu tư nuôi loài động vật này. Ngựa bạch con khi được trên 5 tháng tuổi người dân sẽ cho xuất bán với giá khoảng 20 đến 65 triệu đồng/con (tùy theo chất lượng ngựa). Đối với ngựa bạch trưởng thành, giá bán từ 80 đến 120 triệu đồng/con.
Chị Hà học cách chăm sóc, chăn nuôi từ UBND và bà con xung quanh nhân giống, nuôi lớn rồi đưa đi bán.
Trong nhiều năm qua, đàn ngựa bạch luôn sinh trưởng, phát triển tốt, đã và đang mạng lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của bà con tại xã Phong Vân.
Gia đình Lý Thị An (2001) sinh sống tại thôn Vựa Ngoài là hộ đặc biệt khó khăn. Nhờ các chính sách của UBND xã, gia đình An được hỗ trợ tiền xây dựng nhà và cấp ngựa bạch làm giống để tạo sinh kế cho gia đình. Hàng ngày, chồng An đi buôn bán cây, An ở nhà chăm nom nương rãy và chăn ngựa. "Nhờ có đàn ngựa, kinh tế và đời sống của gia đình ổn định hơn. Em cũng có thêm thời gian để chăm sóc con cái, nhà cửa", An nói.
Anh Lăng Văn Sơn chia sẻ để đàn ngựa phát triển, tăng đàn, tôi chú trọng chăm sóc, chế biến và bổ sung thức ăn như: thóc, ngô, rơm rạ, cỏ khô, thân cây ngô.
Phía UBND xã cũng hướng dẫn, hỗ trợ trong công tác phòng, trị bệnh cho đàn ngựa như: kỹ thuật vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại, cách ly, tiêm vắc xin phòng bệnh… bởi vậy việc chăn nuôi rất thuận lợi.
"Việc chăn nuôi ngựa tương đối là nhàn, không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật, vừa tận dụng được diện tích chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn", anh cho biết.
Quá trình nuôi ngựa bạch hoàn toàn có thể tận dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có như cỏ, lá ngô kết hợp với ngô hạt hoặc thóc xay. Mỗi hộ, chỉ cần đầu tư từ 20 - 60 triệu đồng là có thể mua được một con ngựa giống non khoảng 5 tháng tuổi. Nếu chăm sóc tốt, sau 3 năm là ngựa cái bắt đầu sinh sản, trung bình ngựa cái sẽ đẻ 1 con/năm.
So với nuôi ngựa thịt hay nuôi trâu, bò thì việc nuôi ngựa bạch thuận lợi hơn mà lại yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Hiệu quả của mô hình chăn nuôi ngựa bạch của bà con trên địa bàn xã đã được khẳng định rõ trong thực tiễn. Chính quyền xã đã có chủ trương và trực tiếp chỉ đạo các thôn khác trong xã tổ chức tham quan để tiến tới nhân rộng mô hình này ra toàn xã. Hiện trên toàn xã có khoảng 1600 con ngựa các loại, trong đó ngựa bạch chiếm 65 - 70% số lượng đàn.
Việc chăn nuôi ngựa đã cho những kết quả đáng khích lệ giúp đồng bào nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống kinh tế ở địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang triển khai hỗ trợ các hộ gia đình chăn nuôi ngựa về con giống.
Huyện cũng hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ về vaccin phòng dịch, tổ chức các lớp tập huấn về kĩ năng chăn nuôi, nhân giống, mở rộng đàn cho bà con nhân dân, thành lập các HTX chăn nuôi ngựa bạch để đảm bảo về đầu ra và đầu vào.
Việc chăn nuôi ngựa bạch đã góp phần hình thành được vùng sản xuất hàng hóa, thay đổi dần tập quán chăn nuôi của người dân, áp dụng tiến bộ KH-KT và thực hiện quy trình chăn nuôi bền vững, khép kín. Mô hình nuôi ngựa bạch ở huyện Lục Ngạn còn góp phần giải quyết việc làm cho nông dân, tăng thu nhập, góp phần đẩy mạnh chăn nuôi tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.