Người kiên trì nhặt hạt, ươm giống thành công loài cây quý hiếm này là anh Phạm Văn Sự (43 tuổi, trú phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) với kinh nghiệm nhiều năm làm lâm nghiệp.

Kể về quá trình bén duyên với đam mê trồng xích tùng, anh Sự kể, năm 2001, sau khi tốt nghiệp khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) anh xin vào công tác tại Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử.

W-anh-9-1.jpg
Anh Phạm Văn Sự là người đầu tiên ươm giống thành công loài cây xích tùng Yên Tử

Những năm làm việc tại đây, anh Sự chưa một lần nhìn thấy hậu duệ của hơn 200 "cụ" xích tùng mọc tự nhiên. Mặt khác, mỗi năm tại rừng Yên Tử đều có xích tùng cổ thụ chết do sâu bệnh, mối mọt làm gãy. Nếu cứ như vậy, loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi này sẽ tuyệt chủng tại đất Phật linh thiêng.

Vậy là hành trình rong ruổi khắp đại ngàn Yên Tử của anh Sự để lượm hạt xích tùng bắt đầu sau mỗi giờ nghỉ.

W-anh-2-1.jpg
Trong khu vườn gần 1.000m2 của gia đình anh Sự hiện có khoảng 1.900 cây xích tùng có độ cao từ 1 gang tay đến quá đầu người

Anh tìm tới tận những cây xích tùng cổ thụ để đánh giá thực trạng. Anh nhận thấy hạt xích tùng sau khi rơi xuống không thể tiếp cận mặt đất vì thảm thực bì quá dày.

Mặt khác, do hạt xích tùng có lớp tinh dầu nên sau khi rụng sẽ bị côn trùng tha về làm thức ăn. Bởi vậy, việc mọc thành cây con là không thể.

W-anh-6-1.jpg
Ngoài ươm bằng hạt thì chiết cành cũng là một phương pháp nhân giống giúp xích tùng giảm thời gian sinh trưởng

Từ năm 2003, anh Sự bắt đầu thu lượm hạt xích tùng cổ Yên Tử để gieo nhân giống. Ban đầu hạt nảy mầm đạt 80% nhưng cây lại hay bị thối nõn và rễ. Khoảng từ năm 2005 đến 2008 với thành công trong việc xử lý được bệnh nấm, anh Sự mới chắc chắn và báo cáo lãnh đạo đơn vị là có thể gieo và phát triển được xích tùng Yên Tử.

"Những năm đầu, việc đi lượm hạt xích tùng vô cùng khó khăn khi đường rừng trắc trở, hạt chỉ rụng vào 2 tháng cuối năm nên có hôm mất cả ngày mà lượng hạt thu về không được bao nhiêu. Chưa kể lúc mang về xử lý, hạt còn bị hỏng và để ươm thành cây phải mất hàng năm mới thành công", anh Sự nói về quá trình gian nan cứu con cháu của xích tùng cổ thụ.

W-anh-3-1.jpg
Phải mất hơn 7 năm những cây xích tùng mới có độ cao quá đầu người

Đến nay, khu vườn gần 1.000m2 của gia đình anh Sự đã có khoảng 1.900 cây xích tùng từ loại cao 1 gang tay đến quá đầu người.

Cầm kéo cắt tỉa cành khô trong vườn xích tùng cao hơn 1m, anh Sự nay đã có thể tự tin về thành quả sau bao nhiêu năm cố gắng. Tại vườn nhà anh Sự, xích tùng xanh tốt, số cây ngày càng nhiều lên sau mỗi mẻ hạt nảy mầm theo quy trình do chính tay anh xử lý.

W-anh-12-1.jpg
Hạt xích tùng được anh Sự thu hoạch tại chính vườn nhà mình thay vì lên rừng lượm nhặt như trước đây

Ngoài ươm hạt, anh Sự còn có thể chiết cành xích tùng để rút ngắn thời gian sinh trưởng và tránh sâu bệnh. Bởi, xích tùng thuộc giống cây lá kim, sinh trưởng và phát triển chậm, để cây con mọc được khoảng 20cm thì cũng mất hơn 2 năm trong vườn ươm. Cây chiết cành sẽ phát triển nhanh và khoẻ hơn khi được đưa ra trồng ở môi trường tự nhiên.

W-anh-7-1.jpg
Xích tùng là loài cây lá kim nên thời gian sinh trưởng rất lâu, lá xanh tươi chứng tỏ cây sống khoẻ và đạt yêu cầu để đưa ra môi trường tự nhiên

"Nay tôi không phải đi lượm hạt trong rừng nữa mà những cây ở vườn nhà tôi cũng đã cho thu hoạch quả, hạt nào với tôi cũng như cục vàng vì đó là sự sống, là cơ hội để loài cây này không tuyệt chủng. Tôi thích ngắm xích tùng bởi loài cây này tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của người quân tử", anh Sự cho biết.

Xích tùng về với đất Phật

Tính đến nay, anh Sự đã giao 1.065 cây xích tùng cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Cụ thể, từ tháng 6, số lượng 1.000 cây xích tùng cao hơn 1m được anh Sự phối hợp với 1 đơn vị giao cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử.

W-anh-1-1.jpg
Một cây xích tùng nhỏ như này cũng cần 2 năm để phát triển từ hạt giống nảy mầm

Số cây được đem lên trồng tại rừng Yên Tử đều khỏe mạnh vì đã được trồng tại vườn nhà anh Sự khoảng gần 7 năm, có thể sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên.

Những cây này sẽ được tập trung trồng bổ sung tại những khu vực có cây xích tùng cổ được trồng từ khoảng 700 năm về trước. Trong đó, khu vực đường Xích Tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên, khu vực đường sang thác Vàng, thác Bạc, khu vực chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ được trồng nhiều nhất.

anh 14.jpg
Anh Sự đã bàn giao hơn 1.000 cây xích tùng cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử để trồng mới tại rừng Yên Tử (ảnh nhân vật cung cấp)

Toàn bộ những cây xích tùng trồng mới sẽ được cắm hàng rào, xác định vị trí để tiện kiểm tra, chăm sóc.

Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử ông Lê Tiến Dũng cho biết, hiện tại trên rừng Yên Tử còn khoảng 226 cây xích tùng cổ thụ có độ tuổi từ 500 đến 700 năm.

anh-10-1.jpg
Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử vận chuyển số cây xích tùng lên trồng tại rừng Yên Tử (ảnh nhân vật cung cấp)

Những năm gần đây vẫn có hiện tượng xích tùng cổ thụ chết do sâu mọt, già cỗi và gió làm gãy đổ.

Sau khi tiếp nhận hơn 1.000 cây xích tùng, những vị trí trồng mới đều được lực lượng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử kiểm tra, chăm sóc định kỳ. 

anh 13 copy.jpg
Hiện tại trên rừng Yên Tử còn 226 cây xích tùng cổ thụ có độ tuổi từ 500 đến 700 năm, những cây này không còn khả năng tạo ra cây con mới

Xích tùng có tên gọi khác là hoàng đàn giả, hồng tùng, có tên trong sách đỏ Việt Nam. Loài cây này được cho là trồng cùng thời điểm Phật hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành và lập Thiền phái Trúc Lâm.