Những camera xuất xứ nước ngoài hoạt động theo cơ chế Cloud kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này. Điều này có thực sự lo ngại hay không? Nó gây ra những nguy cơ gì và camera Việt Nam có giải được nguy cơ này hay không? Đây là những câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp tham gia Tọa đàm “Tiêu chuẩn nào cho camera make in Vietnam?”.
Giải đáp những thắc mắc trên, ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Pavana cho biết: Camera là sản phẩm nguồn gốc xuất xứ có ý nghĩa quan trọng nhất trong các sản phẩm điện tử bởi chúng liên quan đến dữ liệu cá nhân, âm thanh hình ảnh. Do đó, việc bảo mật thông tin vô cùng quan trọng. Việc xây dựng tiêu chuẩn để kiểm soát đảm bảo an ninh sẽ thuộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy các đối tượng, tập khách hàng nào cần bảo vệ dữ liệu trước thì phải có tiêu chuẩn cho từng đối tượng khách hàng chứ không thể áp dụng chung cho tất cả.
Dưới góc độ của Bkav khi phân tích thị trường, ông Đoàn Mạnh Hà - Giám đốc bộ phận sản phẩm Bkav AI View chia sẻ, có nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến bảo mật thông tin. Phần nào cũng liên quan đến thói quen sử dụng của người Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài thường xây dựng hệ thống camera chung nhưng không nghiên cứu sâu về thói quen sử dụng của người Việt Nam. Phần cài đặt thường giao phó cho đội ngũ triển khai mà các công ty này thường không có cách kiểm soát chất lượng sau khi bán hàng. Hãng ở nước ngoài nên khi có vấn đề xảy ra rất khó khăn trong quá trình khắc phục.
Ngoài ra, ở Việt Nam có nhiều tổ chức chứng thực về tính bảo mật cho camera, ví dụ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC. Bkav AI là đơn vị đầu tiên xác thực camera tại trung tâm. Đây cũng là những tiêu chí tạo niềm tin cho người tiêu dùng sử dụng camera Make in Vietnam.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Lumi Việt Nam: đúng là hiện nay các thiết bị muốn hoạt động thông suốt thì cần có một hệ thống Server Cloud ở giữa để điện thoại có thể kết nối tới camera dễ dàng ở bất kì đâu. Nhiều người đã thấy được rằng dữ liệu quý như vàng, bởi nếu có dữ liệu lớn, phân tích chúng sẽ tạo ra giá trị. Tuy nhiên, mục đích sử dụng dữ liệu là vấn đề cần lưu tâm. Dữ liệu rất lớn của người dùng để trên các hệ thống Cloud có máy chủ đặt ở nước ngoài đúng là tiềm ẩn rủi ro.
Doanh nghiệp sản xuất camera phải nhìn nhận một cách dài hạn, không phải là bán một sản phẩm phần cứng là xong, cần quan tâm hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng dài hạn bao gồm cả việc hỗ trợ định kỳ cập nhật phần mềm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã mang chính thương hiệu của mình làm bảo chứng cho an toàn bảo mật thông tin. Bởi khi có vấn đề bảo mật nó sẽ ảnh hưởng đến các thương hiệu trong nước. Đặt server ở Việt Nam, phần mềm được update liên tục để vá lỗ hổng và bảo vệ khách hàng… những điều này chỉ có các doanh nghiệp thương hiệu Việt Nam mới thực hiện được. Đây là những lý do khiến người dùng có thể đặt niềm tin vào camera Make in Vietnam.
Ông Khương Duy, Giám đốc Trung tâm Camera, Viettel High Tech khẳng định, Viettel High Tech không tập trung cuộc chiến về giá, giá trị mang lại không chỉ là bản thân sản phẩm camera mà là cả một giải pháp, nền tảng, hệ sinh thái nhằm mục đích mang đến nhiều giá trị gia tăng cho người dùng. Đặc biệt, tập trung vào tính năng an toàn cho người dùng cá nhân, bảo mật an toàn trong xây dựng giao thông thông minh, đô thị thông minh, phục vụ cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh… Để làm được điều đó, Viettel High Tech tập trung xây dựng thuật toán, ứng dụng AI, tận dụng lợi thế từ nhà mạng Viettel với tập khách hàng gần như phủ sóng khắp cả nước – đây là thị trường dễ tiếp cận.
"Dự kiến năm 2023, Viettel High Tech sẽ cung cấp sản phẩm camera cho khách hàng hộ gia đình và camera AI cao cấp cung cấp những giải pháp cho các lĩnh vực như thành phố thông minh, an ninh, quốc phòng, Chính phủ và hành chính công. Chúng tôi đặt ra mục tiêu và đề ra lộ trình cụ thể để mang sản phẩm ra thị trường quốc tế. Bên cạnh những quốc gia mà Viettel có đầu tư, chúng tôi cũng đang xúc tiến thâm nhập một số thị trường như Singapore, Ấn Độ, Malaysia…", ông Khương Duy nói