iPhone 8 và 8 Plus có ngoại hình giống thế hệ trước nhưng bổ sung thêm mặt lưng kính để hỗ trợ sạc không dây. Trên lý thuyết, điều này mang đến hiệu quả thẩm mỹ và cũng hữu dụng hơn cho người dùng.
Tuy nhiên, một tuần sau khi iPhone 8 lên kệ, nhiều video thử độ bền trên YouTube đã xuất hiện. Tất cả đều có chung một kết quả: iPhone 8 sẽ vỡ mặt lưng kính nếu người dùng làm rơi nó xuống mặt sàn cứng, trong tình trạng không dùng ốp lưng.
Trong khi đó, iPhone 7 hoặc 7 Plus không có mặt lưng kính nên "sống sót" qua nhiều lần thả rơi. Máy chỉ bị móp các góc, trầy mặt trước và vẫn có thể sử dụng được.
Trong trường hợp sử dụng ốp bảo vệ, iPhone 8 vẫn vỡ mặt lưng kính nếu sử dụng ốp mỏng, mềm. Do đó, bắt buộc người dùng phải tìm đến những chiếc ốp lưng to, dày, đồng nghĩa với việc thiết kế đẹp đẽ của iPhone 8 bị che kín.
Thảm hoạ hơn, nếu dùng iPhone 8 Plus kèm ốp dày, chẳng ai biết bạn đang dùng chiếc iPhone mới nhất của Apple. Người dùng phải cầm nắm chiếc điện thoại thô ráp trong tay qua lớp vỏ nhựa, thay vì cảm nhận sự mềm mại của từng góc cạnh do Apple mài nhẵn, đánh bóng.
Năm ngoái, Apple tiến hành vận động hành lang ở New York để chống lại dự luật yêu cầu các công ty điện tử phải cung cấp thông tin có sẵn giúp khách hàng và các doanh nghiệp bên thứ 3 dễ dàng sửa chữa điện thoại bị hư hỏng.
Điều này dấy lên mối nghi ngại Apple muốn độc quyền sửa chữa iPhone. Với thói quen treo giá "cắt cổ" cho phụ kiện, không gì đảm bảo Apple sẽ có mức chi phí dễ chịu cho những người dùng đến thay mặt kính.Ngay cả gói AppleCare cũng chỉ giúp kéo dài thời hạn bảo hành, không bao gồm bảo hiểm cho trường hợp vỡ mặt kính.
Theo AppleInsider, người dùng có thể phải mất 99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) và tăng lên 349 USD ở lần thay thứ ba. Đây là mức giá rất đáng để suy nghĩ nếu người dùng muốn mua iPhone 8 hay 8 Plus.
Theo Zing