Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tại thời điểm ngày 8/9, một số khu vực trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Phú Thọ vẫn bị gián đoạn thông tin liên lạc do mất điện lưới.
Trong số các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Hải Phòng, Quảng Ninh là 2 địa phương thiệt hại nặng nề nhất do là nơi bão Yagi cập bờ khi đổ bộ vào đất liền.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho biết, mạng lưới viễn thông Hải Phòng đến thời điểm hiện tại (9/9) đã khắc phục được khoảng 80%.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng, sau khi bão Yagi đi qua, mạng lưới viễn thông của toàn thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê cho thấy, có khoảng 40 trạm BTS bị ảnh hưởng trên toàn địa bàn thành phố Hải Phòng. Các trạm BTS này rải rác ở các quận huyện, mỗi nơi 2-3 trạm, trong đó khu vực huyện đảo Cát Hải tập trung nhiều nhất với khoảng 12 trạm.
Hạ tầng truyền dẫn của Hải Phòng không bị thiệt hại quá nặng nề, tuy nhiên thời gian mất điện quá lâu khiến máy nổ không chịu được tải, dẫn đến không hoạt động được. Việc khôi phục mạng lưới viễn thông tại Hải Phòng phụ thuộc rất lớn vào nguồn điện.
“Điện lực đến đâu sẽ có viễn thông đến đấy, với hai huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cát Hải, cố gắng hết tuần này mạng lưới viễn thông sẽ hoạt động trở lại bình thường”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Phạm Văn Tuấn, hiện Hải Phòng đang tập trung khắc phục để kết nối lại liên lạc viễn thông với huyện đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ. Việc kết nối lại liên lạc với đảo Cát Bà dự kiến trong ngày hôm nay sẽ xong. Riêng với huyện đảo Bạch Long Vĩ, hiện tại việc liên lạc được thực hiện chủ yếu thông qua kết nối vệ tinh với chủ tịch huyện, trong khi nhân dân vẫn chưa thể kết nối liên lạc bình thường.
Theo bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh, tình hình mưa bão tại địa phương này vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Yếu tố thời tiết bất thường đã khiến cho hạ tầng viễn thông bị ảnh hưởng, gây nên việc mất liên lạc ở một vài nơi.
Lãnh đạo Sở TT&TT Quảng Ninh cho hay, cây đổ sau bão đã làm đứt gãy nhiều tuyến truyền dẫn. Điện đang bị cắt trên diện rộng, trong khi mạng lưới viễn thông, Internet đều phụ thuộc vào điện lưới. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã hết sức cố gắng, tuy nhiên việc khắc phục mạng lưới không dễ dàng, đặc biệt là tại những vùng còn khó khăn.
Trên thực tế, các nhà mạng tại Quảng Ninh đã sử dụng máy phát điện làm nguồn năng lượng dự phòng. Lượng dự trữ dầu chạy máy phát điện đủ dùng trong khoảng 20-24 tiếng, thế nhưng tình hình mất điện kéo dài trong nhiều ngày đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì hoạt động của các trạm phát sóng.
Nhiều trường hợp, khi đấu nối, hàn gắn được các tuyến cáp thì ở trạm phát sóng lại không có điện. Với người dân, việc mất điện dài ngày cũng khiến điện thoại của nhiều người không còn pin, đây là một trong những lý do dẫn đến việc mất liên lạc.
Tại thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, từ chiều ngày 7/9, một số huyện của Thủ đô bị mất điện diện rộng, gây ảnh hưởng đến chất lượng sóng di động. Các huyện này gồm Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Mê Linh, Phú Xuyên và Sóc Sơn, Thanh Oai.
Ngay sau khi ngớt mưa và có điện trở lại, Sở TT&TT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức ứng cứu thông tin, khắc phục sự cố. Cơ bản các trạm BTS tại Hà Nội đã được cấp điện, khôi phục kết nối thông tin liên lạc trở lại.
Tuy nhiên, theo Sở TT&TT Hà Nội, do cây đổ, cột điện bị gãy làm đứt một số tuyến cáp quang, đến trưa ngày 9/9, một số xã trên địa bàn thủ đô tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai vẫn mất sóng di động do bị gián đoạn truyền dẫn.
“Sở TT&TT Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương khắc phục sự cố, thực hiện nối cáp để thông suốt tuyến truyền dẫn tại các xã còn gián đoạn liên lạc. Dự kiến, trong ngày 9/9, sóng di động trên toàn thành phố sẽ được khôi phục bình thường như thời gian trước khi bão Yagi quét qua”, ông Nguyễn Tiến Sỹ thông tin thêm.
Song song việc đề nghị EVN Hà Nội ưu tiên cấp điện cho các trạm thu phát sóng di động, Sở TT&TT Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương khôi phục hoạt động các trạm BTS vẫn đang gặp sự cố để đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Trước ngày 15/9, các doanh nghiệp viễn thông tại Hà Nội phải hoàn thành xây dựng phương án thu hồi cáp viễn thông không sử dụng trên các tuyến để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Tại Nam Định, theo đại diện Sở TT&TT tỉnh Nam Định, địa phương này không bị ảnh hưởng nhiều về thông tin liên lạc do bão Yagi. Trong thời gian bão quét qua, một số khu vực tại Nam Định bị cắt điện, do đó một số trạm BTS không chạy máy phát điện nên tạm thời bị gián đoạn thông tin, song đến nay đã khôi phục hoạt động bình thường.
Báo cáo nhanh của Sở TT&TT Nam Định cho hay, do ảnh hưởng của bão Yagi, đã có khoảng 500 trạm BTS trên địa bàn tỉnh bị mất điện lưới. Các doanh nghiệp viễn thông đã chạy máy phát cho hơn 350 trạm. có 127 trạm bị gián đoạn thông tin tạm thời và đến thời điểm hiện tại đã được khắc phục, khôi phục hoạt động.
Với hạ tầng mạng viễn thông cố định, một số cây xanh tại các tuyến đường, đặc biệt là ở thành phố Nam Định như đường Trần Đăng Ninh, đường Thái Bình, Quảng trường Hoà Bình… bị đổ, ảnh hưởng đến các tuyến cáp ngoại vi.
Theo Sở TT&TT Nam Định, số lượng thuê bao bị ảnh hưởng từ sự cố này chưa được kiểm đếm. Các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động phối hợp với Công ty môi trường đô thị xử lý và chính quyền địa phương để khắc phục, xử lý.
Để nhanh chóng khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc, trong ngày 8/9, Cục Viễn thông đã có văn bản đề nghị Sở TT&TT 15 tỉnh, thành phố chủ động phối hợp, làm việc với Sở Công Thương để chỉ đạo Chi nhánh tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN tại địa phương cung cấp thông tin về kế hoạch khôi phục điện lưới tại khu vực bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 3 cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn.