Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) mới đây đã công bố một báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu. Theo báo cáo này, số vụ lừa đảo trực tuyến đang bùng nổ mạnh thời gian gần đây.
Cụ thể, số vụ lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu trong năm 2021 là 266 triệu vụ, tăng 90%. Khoảng 50 tỷ USD của người dùng toàn cầu đã rơi vào tay những kẻ lừa đảo trong năm ngoái. Tuy vậy, báo cáo đánh giá đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi có khoảng 7% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến trình báo với chính quyền.
Đáng chú ý, theo GASA, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao. Số vụ lừa đảo tại Việt Nam hiện có tỷ lệ 0,89 vụ/1.000 dân, với hơn 87.000 vụ lừa đảo được ghi nhận.
Về thiệt hại, báo cáo của GASA ghi nhận con số 374 triệu USD trong năm 2021. Tương đương khoản thiệt hại 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo và 3.8 USD nếu tính trên đầu người.
Báo cáo của GASA sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi 2 dự án Chống lừa đảo, ScamVN và công ty bảo mật Group-IB.
Đánh giá của GASA cho thấy, các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang gia tăng và ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Các dạng lừa đảo qua mạng phổ biến nhất trong nước là lừa đảo tài chính, lừa đảo danh tính và lừa đảo tình cảm. Bên cạnh đó, các loại hình lừa đảo mua hàng online và lừa đảo đầu tư (đặc biệt là qua các ứng dụng) cũng rất phổ biến.
Báo cáo cũng ghi nhận số lượng các cuộc tấn công mạng lớn ở Việt Nam trong năm 2021 đã giảm xuống. Mặc dù vậy, các loại hình lừa đảo trực tuyến lại ngày càng trở nên tinh vi hơn. Chỉ tính riêng về số vụ lừa đảo qua email, Việt Nam hiện xếp hàng đầu trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Theo tập đoàn Group-IB - một trong những công ty an ninh mạng lớn nhất của Nga, đơn vị này ghi nhận đã có một vụ lừa đảo trực tuyến quy mô lớn xảy ra trong năm 2022 tại Việt Nam với 27 tổ chức và 7.800 cá nhân trở thành nạn nhân.
Để chống lại các vụ lừa đảo này, thời gian qua nhiều cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến nhằm giúp người dùng tìm kiếm và báo cáo khi phát hiện các gian lận trực tuyến.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có 113.384 trang web lừa đảo được người dùng Việt báo cáo tới hệ thống của dự án Chống lừa đảo và ScamVN. Đây là hai dự án phi lợi nhuận về phòng chống lừa đảo tại Việt Nam. Trong đó, hơn 22.000 website đã bị liệt vào “danh sách đen” của những đơn vị này.
Dữ liệu của Securelist cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia xếp ở vị trí số 1 về tỷ lệ máy tính dính ít nhất một cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại (8,69%).
“Việt Nam hiện vẫn đứng đầu trong top các nước Đông Nam Á về số cuộc tấn công lừa đảo (phishing), năm ngoái là hơn 4 triệu và năm nay là hơn 5 triệu vụ”, đại diện dự án Chống lừa đảo chia sẻ.
Theo Interpol, việc gia tăng các vụ tấn công lừa đảo tại Việt Nam và Đông Nam Á, bởi kẻ xấu giờ đây có thể tiếp cận với các công cụ tấn công phishing dễ dàng. Trên thị trường “chợ đen”, công cụ lừa đảo được cung cấp như một loại hình dịch vụ với mức giá chỉ 20 USD (khoảng 500.000 đồng).
Trọng Đạt