Ngành công nghiệp smartphone đã tìm ra một thủ phạm mới để đổ lỗi cho việc doanh số bán hàng giảm: các thiết bị cũ vẫn còn quá phổ biến.
Những chiếc điện thoại của năm ngoái, chủ yếu là di động từ Apple và Samsung, vẫn rất được ưa chuộng trên thị trường. Nhiều người không sẵn sàng chi ra số tiền lên đến 1.000 USD để mua những chiếc di động mới nhất với không nhiều tính năng ấn tượng.
Khi người dùng giữ những thiết bị cũ lâu hơn, doanh số smartphone mới lập tức chạm đáy thời điểm cuối năm 2017.
“Smartphone hiện khá giống thị trường xe hơi”, Sean Cleland - Giám đốc mảng di động của B-Stock Solution, nền tảng giao dịch điện thoại lớn nhất thế giới (Readwood, California, Mỹ), nhận định. “Tôi vẫn muốn lái Mercedes, nhưng tôi sẽ đợi một vài năm để mua model cũ hơn. Điện thoại cũng vậy”.
Một trào lưu khác giống với thị trường xe hơi cũng xuất hiện tại Mỹ, khiến người dùng lười mua sắm smartphone hơn là dịch vụ cho thuê điện thoại. Thay vì mua smartphone mới, nhà mạng Sprint và T-Mobile cho phép thuê bao của họ thuê chúng, hoặc đổi điện thoại cũ lấy model mới nhất. Tất nhiên, tùy chọn này chưa quá phổ biến.
Điện thoại tân trang đang trở thành phân khúc phát triển nóng nhất, chiếm trung bình 1/10 lượng di động bán ra, theo Counterpoint Research. Năm ngoái, tổng lượng smartphone lên kệ đạt 1,6 tỷ chiếc.
Những chiếc di động cũ, có giá bán khoảng vài trăm USD, khiến nhu cầu mua điện thoại mới giảm xuống, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm. Một chiếc di động cao cấp ngày nay có xu hướng qua tay 3-4 người, trước khi bị thải loại, theo các đơn vị bán lẻ.
Trước đây, điện thoại tân trang thường tìm đến các thị trường xa xôi như châu Phi, Ấn Độ và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, hiện người Mỹ chiếm đến 93% lượng mua bán điện thoại tân trang trên mạng trong các cuộc đấu giá của B-Stock, so với mức khoảng 50-50 giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới vào năm 2013.
Cứ 3 chiếc smartphone bán ra toàn cầu thì có một model của Apple hoặc Samsung. 2 hãng này cũng chiếm đến 95% lợi nhuận của ngành công nghiệp di động.
Người tiêu dùng Mỹ nâng cấp điện thoại sau mỗi 23 tháng thời điểm năm 2014, theo BayStreet Research. Hiện nay, họ có xu hướng giữ lại thêm 8 tháng. Sang 2019, con số này có thể nới rộng lên thành 33 tháng, theo BayStreet.
Các hãng di động không hẳn chịu thiệt hoàn toàn khi một chiếc di động qua tay nhiều người. Với Apple, nhiều người dùng iPhone đồng nghĩa họ có thể dịch chuyển lợi nhuận từ việc bán thiết bị sang mảng dịch vụ, gồm Apple Store, Apple Music và dịch vụ thanh toán.
CEO Apple trong buổi họp quý hôm 1/2 nói rằng thị trường điện thoại qua tay đang phát triển mạnh mẽ và rằng độ tin cậy của những chiếc iPhone là “tuyệt vời”.
Trong buổi phỏng vấn mới đây, D.J Koh - Chủ tịch mảng di động của Samsung - nói rằng sự tăng trưởng của điện thoại cũ khiến Samsung phải nghĩ lại về việc điều chỉnh chiến lược. Mặc dù chưa quyết sách nào được đưa ra, tại một số thị trường Samsung đang muốn đẩy mạnh việc bán điện thoại tân trang thay vì ra mắt di động giá rẻ, theo ông Koh.
25% người dùng Mỹ bán chiếc điện thoại của họ sau khi nâng cấp lên model mới vào năm 2017, tỷ lệ cao nhất thế giới, theo Deloitte. Trong năm 2017, doanh số smartphone chỉ tăng trưởng 2,7%, theo Gartner. Trong 3 tháng cuối năm, lần đầu tiên số lượng smartphone bán ra bị sụt giảm. Các hãng di động có thể chưa quá lo lắng vì có thể tăng giá smartphone để bù vào số lượng nhưng người dùng chắc chắn đang gặp khó.
“Đây là dấu hiệu xấu”, CK Lu - nhà phân tích của Gartner nói. “Những chiếc smartphone hiện nay quá đắt”.
Theo Zing