Hiên nay, tại xã Nậm Khánh đồng bào La Chí sinh sống chủ yếu tại thôn Nậm Khánh tới 97% dân số. Cùng với nếp nhà sàn và các phong tục truyền thống thì trồng bông, dệt vải may áo là một bản sắc riêng, được gìn giữ và bảo tồn qua nhiều thế hệ phụ nữ La Chí.
Trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại, những thế hệ người La Chí vẫn tâm huyết gìn giữ và phát huy nghề truyền thống này thông qua việc truyền dạy cho thế hệ trẻ các kỹ thuật trồng bông, dệt vải.
Ngay từ khi 9, 10 tuổi, các bé gái người La Chí đã được các thế hệ đi trước cho theo học cách trồng bông; hướng dẫn dệt vải, thêu may quần áo... Tuy nhiên, vì nhiều lý do hiện nay nghề này không còn được duy trì như trước. Để bảo tồn nghề truyền thống, vào những thời điểm nhàn rỗi, những người già trong bản lại cùng trao đổi, hướng dẫn các bạn trẻ về nghề truyền thống của đồng bào mình. Từ đó giúp các em thêm yêu nghề trồng bông, dệt vải cũng như truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc La Chí.
Để làm ra những bộ trang phục truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn, trước tiên, bà con sẽ trồng bông trên những thửa ruộng bậc thang; sau khi thu hoạch bông sẽ được tách hạt và đem phơi khô, bật cho tơi rồi cuộn thành từng thỏi nhỏ. Trên các sản phẩm dệt của người La Chí xã Nậm Khánh có rất nhiều mẫu hoa văn đẹp, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ của người phụ nữ; trong đó, phổ biến nhất là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải. Các mẫu hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền. Các họa tiết hoa văn này chủ yếu được thêu ở hai bên cổ áo và yếm tạo nên sự mềm mại cho bộ trang phục của phái nữ.
Cho tới nay, trang phục của đồng bào đều do phụ nữ La Chí tự trồng bông, dệt và may trang phục cho các thành viên trong gia đình, đây cũng là một cách để người La Chí bảo tồn nghề truyền thống.
Thanh Bình, Thanh Hà, Hồng Hạnh, Diệu Bình, Kiều Oanh