Hiện nay cả nước có 206.400 người lao động bị nợ BHXH do công ty phá sản, chủ nợ bỏ trốn. Thực tế này dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành văn bản hướng dẫn BHXH Việt Nam giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng với nguyên tắc thực đóng của người lao động đến đâu ghi nhận đến đó.
Theo đó, với những người đủ điều kiện được giải quyết các chế độ hưu trí, BHXH một lần. Trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng thì xác nhận thời gian đã đóng để lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH đã thực hiện hết trách nhiệm, nhưng sở dĩ vẫn có tình trạng nợ đọng là do những năm qua, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 hoạt động doanh nghiệp khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể phá sản, dừng hoạt động không có tiền trả lương cho người lao động nên phải nợ BHXH.
Ông Hào cũng thông tin, với doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động đến thời điểm này có 206.000 người lao động chưa được hưởng chế độ. Những người này đã chuyển sang đơn vị mới, tiếp tục tham gia BHXH nhưng chưa được ghi nhận thời gian bị nợ đóng ở nơi làm cũ.
Sau khi Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn, với người đủ điều kiện, thời gian thực đóng 20 năm, đủ tuổi nghỉ hưu thì giải quyết chế độ hưu trí, phần BHXH doanh nghiệp còn nợ của người lao động tạm thời giữ nguyên, khi có nguồn tiền hợp pháp thì tính bù hoặc bổ sung bằng nguồn khác sẽ được cộng để tính lại mức hưởng lương hưu.
Việc giải quyết các chế độ còn lại như: BHXH một lần, ốm đau, thai sản, tử tuất thực hiện theo nguyên tắc đóng đến đâu ghi nhận đến đó, không cộng thời gian bị nợ BHXH. Nếu sau này có nguồn tài chính đóng bù cho thời gian nợ thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ điều chỉnh mức hưởng. Có hai nguồn tiền được đề xuất chi trả là trích từ Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc ngân sách nhưng cả hai đều không khả thi.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đây là biện pháp xử lý tình thế, nếu không sớm thực hiện thì quyền lợi lao động vẫn “treo lơ lửng” không biết đến bao giờ mới được giải quyết.
Thống kê của BHXH Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi.