Người nội trợ méo mặt
Tan ca, cầm 70.000 đồng trên tay, chị Hồ Kim Xuyến - 41 tuổi, quê tỉnh An Giang - cứ đảo đi, đảo lại khu chợ “cóc” đối diện Công ty Pouyuen Việt Nam. Săm soi búp xà lách chừng 300g, nghe người bán báo giá 15.000 đồng, chị Xuyến đắn đo một lúc rồi đặt xuống.
Người bán vội thuyết phục: “Giá này là rẻ nhất rồi. Bây giờ, cái gì cũng lên giá hết. Em vô siêu thị, có khi giá còn gấp đôi. Mọi khi, chị chuyển hàng trên kia xuống đây chỉ mất 1,3 triệu đồng tiền xe, giờ là 1,7 triệu đồng. Xăng tăng, tụi chị cũng đau đầu lắm”.
Ở điểm bán đồ khô gần đó, người bán và người mua cũng đang xầm xì chuyện giá xăng. Xăng đã chạm sát mốc 30.000 đồng/lít. Chiếc xe cà tàng chở đồ khô của ông Trần Quân - 53 tuổi, quê tỉnh Bình Định - bây giờ mỗi ngày “uống” hết 70.000 đồng xăng. Để sống được, ông Quân phải tăng giá bán hàng lên một chút. Nhưng ở khu công nhân, mọi người đều chi tiêu dè sẻn từng đồng. Bún khô tăng lên 2.000 đồng/kg, ông cũng phải mỏi miệng giải thích để giữ mối.
70.000 đồng để mua thức ăn cho bữa tối và cả sáng hôm sau là một bài toán khó với chị Xuyến. Nhưng với mức lương công nhân chưa đầy 8 triệu đồng/tháng, mức chi tiêu trên đã được coi là “xài sang” đối với gia đình chị. Rời khu chợ công nhân với túi đồ ăn vỏn vẹn vài món, chị Xuyến thở dài: “Chắc qua tuần, phải gửi hai đứa nhỏ về quê ở với ngoại”.
Đá chống xe, ông Nguyễn Tấn Trãi - quê H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - vừa đưa bịch hủ tíu 5kg cho người đồng hương Trần Thái Duy, vừa thông báo: “Cữ hàng sau, hủ tíu lên hai hai, mì lên ba hai nha anh Năm”. Ông Duy thảng thốt, buông một tiếng duy nhất: “Chết”.
Những xóm lao động nghèo, xóm nghề lao động tự do gần Công ty Pouyuen Việt Nam vừa gượng dậy sau dịch đã gặp “bão giá” |
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mì và hủ tíu đã tăng giá hai lần. Để bù lại tiền hàng tăng, ông Duy đã nâng giá hủ tíu thịt từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/tô, hủ tíu xương từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/tô. Giá tăng, khách ăn vắng lại, giờ mỗi ngày, tiền lời từ xe hủ tíu của vợ chồng ông Duy chỉ 300.000 đồng, chỉ vừa đủ trả tiền nhà, nuôi con gái đang học năm thứ tư đại học, chưa tính đến các khoản phát sinh như đám cưới, tiệc tùng, đau ốm…
“Khách chỗ này chủ yếu là công nhân. Vật giá leo thang, họ khó khăn nên chủ yếu ăn cơm nhà. Công nhân công ty may gần đây chiều nào cũng kêu 15-20 tô nhưng từ ngày hủ tíu lên 20.000 đồng/tô thì mỗi chiều chỉ bán được 4-5 tô” - ông Duy nhăn mặt.
Nghe ông Duy than, ông Nguyễn Tấn Trãi góp lời: “Trước, em đổ 70.000 đồng là xăng đầy bình, giờ bấy nhiêu đó tiền, lắc bình còn kêu. Ngày nào em cũng đánh một vòng quanh thành phố để giao hàng cho các xe hủ tíu, 70.000 đồng xăng giờ không đủ”.
Mỗi tháng, chị Nguyễn Thùy Linh (phường 13, quận 6) được chồng đưa 5 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Dịch COVID-19 khiến công việc của chồng chị gặp trở ngại nên tiền sinh hoạt hằng tháng của cả gia đình chỉ còn 4 triệu đồng. Trong khi đó, giá cả bây giờ đã tăng cao hơn trước nhiều. Giá mỗi bình gas 12kg bây giờ hơn 530.000 đồng (bao gồm công chở đến tận nhà), tăng gần 60.000 đồng so với tháng 1/2022.
Chị Linh cho hay, từ tháng 6/2021, do dịch COVID-19, chị mất việc làm. Đến nay, chị vẫn chưa dám gửi con để đi làm do còn lo ngại dịch bệnh. Ở nhà nội trợ, mỗi lần ra cửa hàng mua trái cà chua, cọng rau, con cá, chị đều phải đắn đo, cân nhắc. Chị nói: “Kinh tế khó khăn, tôi phải tính chuyện ăn từng bữa, đôi khi phải chọn những món dễ nấu để tiết kiệm tiền gas. Có đi ra chợ mới thấy, giá hàng tăng cũng do xăng mà ra”.
Dịch qua, gặp ngay “bão giá”
Mấy hôm nay, ông Nguyễn Hồng Sơn (phường 15, quận Gò Vấp) lái chiếc ghe vớt trùn chỉ về nhà sớm hơn. Nhìn những thau trùn chỉ vớt được ngày một vơi hơn, ông Sơn thở dài: “Kiểu này khó mà trụ nổi, chắc phải trở lại đi thả cá”.
Mọi khi, ông Sơn và đoàn ghe khoảng 20 chiếc ở phường 15, quận Gò Vấp vẫn băng băng trên sông Sài Gòn từ cầu Bến Phân (quận Gò Vấp) đến thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) để vớt trùn chỉ. Thế rồi năm ngoái, dịch COVID-19 khiến đoàn ghe phải nằm bến mấy tháng liền. Qua Tết Nguyên đán, người dân ở xóm sửa sang lại ghe, sắm dụng cụ mới đi vớt trùn chỉ, được mấy chuyến thì giá xăng tăng cao. Với quãng đường như cũ, chi phí xăng dầu tăng thêm gần 150.000 đồng/ngày, tương đương 35% thu nhập của người vớt trùn chỉ mỗi ngày. Ghe vớt trùn chỉ giờ chỉ quanh quẩn ở những đoạn sông gần TPHCM.
“Tôi bây giờ chỉ loanh quanh từ Gò Vấp đến cầu Bình Phước thôi. Giá xăng dầu tăng nhưng mình không thể tăng giá con trùn chỉ vì mình bán cho người nuôi cá kiểng, hễ tăng giá là họ tìm chỗ khác mua chứ không lụy mình” - ông Sơn than.
Bây giờ, bữa cơm tối nhà ông Nguyễn Kiếm - 64 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long - chỉ có vài món đơn giản. Mọi khi, trong bữa cơm tối, ông Kiếm thường uống vài lon “giải mỏi” nhưng cả tháng nay, ông không dám uống. Ông Kiếm sống ở xóm trọ của những người chuyên chở hàng thuê ở P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân. Nếu siêng chạy, mỗi ngày, ông Kiếm cũng có được chừng 300.000 đồng tiền công. Đó là trước đây. Còn bây giờ, giá xăng tăng hơn 5.000 đồng/lít so với đầu năm nên “tiền xăng nó ăn tiền công”.
Ông Kiếm kể: “Giá xăng tăng, giá các mặt hàng cũng leo thang, nhưng mình chở hàng cho mối quen, tăng giá cũng khó. Hôm qua, tôi xin thêm 20.000 đồng/cuốc xe hơn 10km mà chủ hàng không vui. Thời buổi này, anh em chở hàng thuê phải bấm bụng lắm mới sống nổi. Hôm rồi, tôi thay bộ săm lốp, thợ họ cũng lấy lên mấy chục ngàn đồng”.
Ông Trần Văn Tín - quê tỉnh Quảng Ngãi, cư dân “xóm cháo lòng” ở phường 14, quận 8 - ví giá xăng như “cú đấm bồi” vào xóm lao động nghèo của ông. Năm ngoái, dịch “bão COVID-19” khiến ông và nhiều đồng hương khác phải tháo chạy về quê để tránh dịch. Ăn tết xong, thấy dịch đã được kiểm soát, mọi người hồ hởi rủ nhau trở lại TP.HCM mưu sinh. Cư dân “xóm cháo lòng” đang cố gượng dậy sau dịch thì “bão giá” xăng ập đến.
“Tôi nhẩm tính không lầm thì từ giữa tháng 12/2021 đến nay, xăng đã tăng giá bảy lần. Hôm qua, giá xăng lên gần 30.000 đồng/lít, anh em chúng tôi bàn nhau sẽ tăng giá cháo lòng lên nhưng nhiều người lo mất khách. Nhưng vật giá tăng thế này, mình không tăng giá lên một chút thì khó mà cầm cự” - ông Tín buồn rầu.
Giá cả thị trường tháng 3 sẽ tăng hơn tháng tết Theo Sở Tài chính TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 0,86% so với tháng trước. Mười nhóm có chỉ số giá tăng là do tháng 2 rơi vào Tết Nguyên đán. Nhóm giao thông tăng 2,51% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng 5,14%. Trong tháng 2/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh hai lần vào ngày 11 và 21. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,70% so với tháng trước, chủ yếu do giá thuê nhà tăng 1%; giá nước sinh hoạt tăng 23,3% do các công ty cấp nước điều chỉnh giá nước theo lộ trình, phí xử lý nước thải sinh hoạt tăng; giá dầu hỏa tăng 8,39%, giá gas và các loại chất đốt tăng 3,71%. Theo Sở Tài chính TP.HCM ước tính, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2022 sẽ tăng nhẹ so với tháng 2. Giá cả thị trường tháng 3/2022 chịu tác động bởi giá nhiên liệu (xăng, dầu), từ đó ảnh hưởng đến các mặt hàng liên quan. Sự biến động liên tục của giá vàng thế giới và đồng USD cũng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Từ tháng 3/2022, một số chính sách mới được ban hành có hiệu lực - trong đó đáng chú ý là việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, giảm lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải - có thể sẽ tác động lên giá cả các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. |
(Theo Phụ nữ TP.HCM)
Mì ăn liền, sữa, dầu ăn đồng loạt tăng giá
Trước đà tăng phi mã của giá xăng dầu, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng rục rịch tăng giá bán vì cước vận tải, chi phí sản xuất leo thang liên tục.