Mới đây, một số cử tri đề xuất bổ sung thêm ngày khai giảng năm học mới (5-9) là ngày nghỉ hưởng nguyên lương, để người lao động đưa con em đến trường; đồng thời kéo dài chuỗi ngày nghỉ lễ liên tục từ 2-9 đến 5-9. Trước ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay việc bổ sung thêm ngày lễ, Tết được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngoài ý nghĩa động viên người lao động sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động vì đây là ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế - xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Trước hết, phải nói đến những lần tôi đưa con gái đi khai giảng, tùy vào quy định của mỗi trường, sau buổi lễ các thầy cô tổ chức dạy học luôn hay cho các con về. Như con gái tôi năm nay vào lớp 4, mấy năm nay, nhà trường thường tổ chức lễ khai giảng khoảng 1 giờ, sau đó các con về lớp học. Bởi vậy tôi chỉ đưa con đến cổng trường, giữ tâm lý vui vẻ, khích lệ để con tự tin bước qua cánh cổng, vậy là hết vai trò của phụ huynh trong buổi sáng khai giảng.
Thông thường, hiện nay các trường đều cho học sinh nhận lớp, nhận thầy cô và tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Các con cũng không còn bỡ ngỡ, lạ lẫm như những ngày đầu. Trừ một số trẻ quá nhút nhát hay có biểu hiện chậm chạp về khả năng nhận biết, ghi nhớ, tôi tin các con đều tìm được lớp mình.
Vậy vai trò của phụ huynh trong ngày lễ khai giảng là gì để mà phải nghỉ hẳn 1 ngày? Thậm chí còn đề xuất nghỉ liền mạch với lễ Quốc khánh (tức nghỉ từ ngày 2 đến ngày 5/9). Tôi không đồng tình với ý kiến trên, bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, như tôi đã đề cập ở trên, vai trò của phụ huynh trong ngày khai giảng là gì, có thật sự quan trọng đến mức phải nghỉ nguyên ngày? Hơn nữa, với việc phụ huynh tập trung quá đông ở cổng trường cũng dễ gây cản trở giao thông, nguy cơ kẻ gian trà trộn trộm cắp…
Thứ hai, ở vị trí là chủ một doanh nghiệp nhỏ như tôi, sau đại dịch Covid-19, kinh tế vẫn còn chưa kịp phục hồi, việc sản xuất hiện tại nhằm kéo lại những mối quan hệ bạn hàng đã mất trước đó. Nếu cho người lao động nghỉ ngày 5/9 (hoặc kéo dài từ từ nghỉ lễ Quốc khánh) sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ của đơn hàng. Chưa kể là doanh nghiệp còn phải trả lương, thưởng cho người lao động, hoặc tính mức lương tăng ca trong ngày nghỉ.
Đặc biệt là ý kiến nghỉ xuyên từ Quốc khánh có thật sẽ tạo thời gian cho người lao động gần gũi với con cái. Bởi theo tôi, với những người thương con, họ sẽ gắn kết với con không kể thời điểm nào chứ không riêng gì dịp khai giảng. Đôi khi nghỉ kéo dài còn sinh ra tệ nạn như nhậu nhẹt, ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe hay tâm lý chán nản khi đi làm trở lại.
Tôi cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đưa con đến trường trong ngày khai giảng thì nên có quy định cho phép đi trễ 1-2 giờ trong ngày 5/9. Nếu người lao động có nhu cầu nghỉ nguyên ngày để đưa con đi khai giảng thì có thể xin nghỉ phép, trừ vào phép năm, hoặc làm bù vào một ngày nghỉ cuối tuần nào đó.
Nguyễn Văn Chung (Bình Dương)