Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có đến hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu. Tổng số tiền mà doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH cho người lao động là hơn 22.000 tỷ đồng.
Khi bị chậm, trốn đóng BHXH, người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều quyền lợi liên quan như không được hưởng chế độ BHYT khi đi khám chữa bệnh, bị cắt giảm các chế độ phúc lợi… Thế nhưng hầu hết người lao động không dám đòi hỏi hay đấu tranh vì sợ bị đuổi việc.
Một số người tìm cách tự lo cho mình, tự bỏ tiền túi ra đóng BHXH tự nguyện để được tiếp tục hưởng các quyền lợi an sinh.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Ban Chính sách – pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH thì người lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác.
Thống kê của ngành BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018-2022, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, trong đó 186 vụ bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi song đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, việc xử lý nợ BHXH đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, mặc dù đã được nghiên cứu, báo cáo các cấp nhiều lần nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý.
Nguyên nhân là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực.
Các cơ quan chức năng không thể thu hồi nợ là do các doanh nghiệp không còn ở địa điểm đăng ký; không có khả năng tài chính để trả nợ; việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền.
Cần giải pháp tổng thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH thì việc xử lý bảo vệ quyền lợi cho người lao động rất khó khăn. Do vậy, cần phải có giải pháp để phát hiện chủ động xử lý tốt hơn. Còn nếu để khi doanh nghiệp nước ngoài trốn về nước thì việc xử lý vô cùng khó khăn.
Do vậy, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát phát hiện kịp thời doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội (theo Điều 216 Bộ luật Hình sự) thì thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước phải nắm được tình hình, để không còn tình trạng lợi dụng nợ BHXH, khi doanh nghiệp trốn đóng rồi mới tìm cách xử lý.
Đối với cơ quan BHXH cần thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp chậm đóng BHXH, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất đơn vị nợ từ ba tháng trở lên.
Đối với các doanh nghiệp dùng thủ đoạn để chây ỳ, trốn đóng BHXH, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp để răn đe.
Ngoài ra người lao động khi thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì cần mạnh dạn khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động địa phương theo hướng dẫn của cơ quan BHXH.
Bên cạnh các giải pháp trên, về lâu dài cần phải sửa Luật BHXH, tăng cường các chế tài đủ mạnh cho hành vi trốn, chậm đóng BHXH. Nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, khi người lao động đóng BHXH mà bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH tước đoạt đi quyền lợi lẽ ra được hưởng thì rất dễ nảy sinh tâm lý thiếu tin tưởng vào chính sách BHXH, chủ động rời hệ thống BHXH. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống an sinh về sau.