“Má đừng ngại, cứ ôm lấy con”
Những ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ bức ảnh ghi lại hình ảnh người lính biên phòng bế cụ bà dương tính với Sars-CoV-2 ra xe để đưa đi điều trị ở bệnh viện với lời nhắn: “Má đừng ngại, cứ ôm lấy con”.
Bức ảnh nhanh chóng thu hút nhiều lời bình luận, chia sẻ từ cộng đồng mạng. Đa số người xem bày tỏ sự xúc động trước tình cảm của những nhân vật trong tấm ảnh.
Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm, người ghi lại và chia sẻ hình ảnh xúc động trên cho biết, người bế cụ bà trên tay là đồng đội của anh, Thượng úy Nguyễn Thanh Bình. Hiện, cả hai công tác tại Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng.
Hình ảnh Thượng úy Bình bế bà cụ F0 trên tay và động viên: "Má đừng ngại, cứ ôm lấy con" khiến cộng đồng mạng xúc động. |
Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh tại TP.Đà Nẵng trở nên phức tạp, hai anh được điều động tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ hậu cần tại khu cách ly thuộc Trường cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Thượng úy Khiêm chia sẻ, bức ảnh được anh ghi lại vào ngày 28/7. Hôm đó, Thượng úy Bình phải hỗ trợ cụ bà chuyển từ F1 sang F0 đến bệnh viện. Để đưa cụ bà từ tầng 4 xuống tầng trệt, lên xe, chuyển đến bệnh viện, Thượng úy Bình buộc phải bế.
Bình còn động viên cụ bà: “Má đừng ngại, cứ ôm lấy con”. Lúc đó, tôi thấy hình ảnh ấy đẹp quá nên chụp lại rồi chia sẻ lên trang cá nhân”, anh Khiêm nói.
Khiêm cũng không ngờ bức ảnh lại có sức lay động người xem đến vậy. Lúc chụp ảnh, anh chỉ nghĩ đây là hình ảnh đẹp, người thật việc thật nên ghi lại. Thế nhưng, sau này, khi bức hình được mọi người lan tỏa, Khiêm rất vui.
Được Thượng úy Bình động viên, hỗ trợ, cụ bà đồng ý đến bệnh viện điều trị Covid-19. |
Anh nói: “Tôi rất vui và cảm thấy thật ấm áp. Nhờ sự lan tỏa của cộng đồng, sự quan tâm của cấp trên, tôi và Bình mới được tuyên dương. Tôi thấy thêm yêu nhiệm vụ, thấy tinh thần dân tộc và tình người đẹp biết bao”, anh nói.
“Ai rơi vào trường hợp này, tôi cũng làm vậy thôi”
Thượng úy Bình chia sẻ, nơi anh làm việc hầu như ngày nào cũng có trường hợp F1 chuyển sang F0. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân còn sức khỏe, có khả năng tự di chuyển thì đội ngũ y tế sẽ dìu, đưa ra xe đến bệnh viện.
Ngược lại, bệnh nhân không thể tự di chuyển, anh và các đồng đội phải đến hỗ trợ, đưa họ ra xe. Hôm 28/7, Thượng úy Bình nhận thông báo đến hỗ trợ cụ P.T.D. đã chuyển sang F0 từ tầng 4 xuống đất để đưa đến bệnh viện điều trị.
Anh kể: “Khi tôi lên phòng, cụ rất yếu, mệt nhiều nên không muốn đi. Tôi cố gắng động viên cụ. Tôi nói: Má cứ yên tâm, không phải lo ngại gì đâu. Con bế má đi đến nơi có bác sĩ, có bệnh viện họ sẽ điều trị tốt hơn. Chúng con ở đây là khu cách ly tập trung chỉ đảm bảo ăn uống thôi thuốc thang điều trị không bằng bệnh viện được”.
Nơi làm việc không có thang máy, Thượng úy Bình, Khiêm phải vận chuyển nhu yếu phẩm lên các tầng cho bệnh nhân bằng thang bộ. |
Cuối cùng, cụ bà đồng ý để anh lính biên phòng đưa mình ra xe để đến bệnh viện. Tuy nhiên, khu Bình công tác có 5 tầng nhưng chưa được bố trí thang máy cũng không có cáng để di chuyển bệnh nhân. Khi muốn di chuyển người bệnh không thể tự đi lại được, các nhân viên tại đây đều phải cõng họ trên lưng.
Thấy cụ bà quá yếu, Bình không dám cõng vì sợ không chủ động được. Anh đành phải bế người bệnh trên tay, di chuyển từng bước từ tầng 4 xuống mặt đất trong bộ đồ bảo hộ vướng víu, rộng thùng thình.
Anh cho biết, theo quy định của y tế, nếu là F0, người bệnh phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn… Tuy vậy, lúc này cụ đang trong tình trạng khó thở, các nhân viên y tế lo ngại nếu cho bà mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính… cụ sẽ không thở được.
Thế nên, ngay cả khi đang được Thượng úy Bình bế trên tay, cụ chỉ đeo một cái kính chống giọt bắn. Có lẽ vì thế, cụ lo sợ sẽ lây nhiễm cho Bình. Anh kể: “Lúc đó, tôi rất thương cụ. Tôi cũng không cảm thấy sợ gì cả. Chỉ biết làm sao thuyết phục để cụ yên tâm đến bệnh viện điều trị thôi”.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người lính biên phòng trong thời gian tham gia chống dịch tại các khu cách ly tập trung. |
“Thế nên tôi nói: “Má đừng ngại, cứ ôm lấy con” để bà yên tâm. Ở đây, chúng tôi tiếp xúc với các trường hợp như vậy thường xuyên nên cũng đã xác định từ đầu rồi, không có gì là sợ cả. Một khi đã nhận nhiệm vụ là phải cố gắng hoàn thành. Không riêng gì cụ D., nếu ai rơi vào trường hợp như vậy, tôi cũng sẽ làm điều tương tự thôi”, anh nói thêm.
Bình và Khiêm đã có gia đình và đều cùng có 2 con nhỏ. Là lính biên phòng, cả hai xa nhà thường xuyên. Trong đợt hỗ trợ tuyến đầu chống dịch này, hai người xa nhà lâu hơn cả. Nhớ nhà, nhớ con, Khiêm và Bình trò chuyện, nhìn mặt các con qua màn hình điện thoại sau mỗi giờ tan ca.
Dẫu vậy, cả hai chia sẻ không thấy công việc có khó khăn, vất vả gì. Thượng úy Khiêm chia sẻ: “Sáng dậy, chúng tôi nhận đồ ăn sáng, phát cho các F ở hai dãy nhà rồi dọn rác cho họ. Sau đó, chúng tôi chuyển nước và những thứ người nhà gửi vào”.
“Nếu có F mới vào, chúng tôi đưa họ lên, bố trí phòng, cấp phát vật dụng, hướng dẫn họ nội quy cách ly. Nói chung, chúng tôi không thấy công việc có gì khó nhọc cả, ngoài kia còn biết bao y bác sĩ vất vả gấp nhiều lần mình”, anh nói thêm.
Bài: Nguyễn Sơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thùng tiền giúp dân nghèo và lời nhắn xúc động của người trẻ chống dịch
Giữa đại dịch, sự tận tâm, nhiệt huyết của các bạn trẻ cùng tấm lòng thiện nguyện của nhiều người khiến chúng ta thấy ấm áp và thêm tin rằng, cuộc sống này còn quá nhiều điều tốt đẹp.